Bi hài chuyện đặt tên doanh nghiệp

admin
By admin

Nhiều trường hợp chọn tên doanh nghiệp (DN) khiến cơ quan quản lý bối rối vì không biết có vi phạm quy định về thuần phong mỹ tục Việt Nam hay không.

Đã qua giờ tan tầm một ngày cuối hè oi ả, Phòng Đăng ký kinh doanh 3 củ

Nhiều trường hợp chọn tên doanh nghiệp (DN) khiến cơ quan quản lý bối rối vì không biết có vi phạm quy định về thuần phong mỹ tục Việt Nam hay không.

Đã qua giờ tan tầm một ngày cuối hè oi ả, Phòng Đăng ký kinh doanh 3 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vẫn đông đủ các chuyên viên bởi hàng chục hồ sơ vừa được Trưởng phòng Từ Danh Trung chuyển từ bộ phận tiếp nhận về phân chia xử lý. Trong tháng qua, (từ thời điểm 1/7 khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực thi hành), lượng hồ sơ phải giải quyết tăng hơn 40% so với trước đó. Đáng mừng là các khúc mắc liên quan tới tên gọi DN đã giảm đi rất nhiều và chưa có trường hợp “oái ăm” nào. Ông Trung kể, trước khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực, “có một bác tới đăng ký thành lập DN lấy tên là Lý Thụy. Nghe thế, anh em khuyên bác nên đổi sang một cái tên khác vì đó là bí danh của Bác Hồ (danh nhân) khi hoạt động cách mạng. Bác này nói không biết điều đó và giải thích, bác tên Lý, vợ tên Thụy nên muốn ghép lại thành tên DN (và còn mang cả chứng minh thư của hai vợ chồng làm bằng chứng). “Sau khi nghe cán bộ giải thích, bác ấy đã rất vui vẻ chọn một cái tên khác”, ông Trung nói.

Việc cấm dùng tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp đã được quy định tại khoản 3, điều 14, nghị định về đăng ký doanh nghiệp của Chính phủ – Ảnh: T.T

Khi dự thảo Luật Doanh nghiệp trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện, một đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội còn đưa ra những trường hợp khiến cơ quan quản lý lúng túng hơn. Đơn cử như hai luật sư tên Hùng và Vương hợp tác mở một công ty luật với tên gọi Công ty Luật hợp danh Hùng Vương. Tuy nhiên, trường hợp này đã không được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp nhận vì trùng với tên Vua Hùng. Trường hợp khác, một cá nhân muốn đăng ký tên DN là Công ty TNHH Cung cấp dịch vụ Sung Sướng. “Cái tên này nghe đã rất nhạy cảm. Vậy có cấp không? Nếu không cấp thì từ chối như thế nào?”, ông Trung nhớ lại. Khi đó, cán bộ của Sở đã rất bối rối vì không biết xử lý ra sao với trường hợp này và cái tên đó có vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam như quy định trong Luật Doanh nghiệp hay không.

Một cái tên khác cũng khiến cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký khó xử là “Công ty Cổ phần Ăn mòn Việt Nam”, hoạt động kinh doanh các chất ăn mòn. Ngành nghề kinh doanh hợp pháp nhưng cụm từ “ăn mòn Việt Nam” đã khiến vị cán bộ của ngành kế hoạch đầu tư hết sức lúng túng vì không biết có bị xếp vào trường hợp nhạy cảm hay không.

Theo quy định mới, DN đăng ký mới tên không được trùng với DN đã đăng ký trước đó trong phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, tại thời điểm luật mới có hiệu lực, DN ở địa phương này đang có tên trùng với DN ở địa phương khác vẫn được chấp nhận, vì không thể bắt các DN trùng tên này phải đổi lại tên của mình được.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư – CIEM), đồng thời là Tổ phó Tổ biên tập Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho biết, theo quy định của Luật Doanh nghiệp cũ, nhiều trường hợp viết thì không có vấn đề nhưng khi phiên âm và về nghĩa thì không đáp ứng yêu cầu. Ông Hiếu ví dụ, có trường hợp người nước ngoài muốn đặt tên doanh nghiệp là Công ty TNHH Johnson. Do quy định phải đọc được bằng tiếng Việt và phiên âm phải có nghĩa nên buộc những trường hợp như thế lách bằng cách thêm dấu chấm hoặc dấu gạch ngang vào giữa các chữ cái. “Nhưng từ 1/7, các quy định trên đều được bãi bỏ”, ông Hiếu nói. Hay như trường hợp cái tên Hùng Vương, ông Hiếu cho rằng, không có căn cứ để nói Hùng Vương là một danh nhân.

Ngoài Bác Hồ và tác giả Nguyễn Du thì “không có cơ sở pháp lý nào để xác định các nhân vật lịch sử khác là danh nhân, không ai nghĩ là thành lập DN để thực hiện mục tiêu xấu mà còn coi đó là cơ hội tôn vinh các nhân vật lịch sử. Và luật mới không có quy định từ chối trường hợp đó”, ông Hiếu nói. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, hiện nay luật quy định như vậy nhưng đôi khi vẫn có trường hợp “mang tính chất quản lý” thì vẫn cần cân nhắc trên cơ sở thuyết phục và mục tiêu kinh doanh thông thường của DN. Ông Trung dẫn chứng, nếu có DN nào cố ý đặt tên doanh nghiệp là Ô Mã Nhi hay Toa Đô thì cơ quan quản lý vẫn thuyết phục DN chừa ra.

Đến nay, dù Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã rất thông thoáng và tạo điều kiện cho DN nhưng bản thân ông Trung vẫn than phiền rằng nội dung cấm đặt tên DN liên quan tới thuần phong, mỹ tục, văn hóa, truyền thống dân tộc quá chung chung nên “vẫn làm khó anh em”. “Đến nay vẫn chưa có công bố hay phụ lục nào quy định cái nào là thuần phong, cái nào là mỹ tục, những hành vi nào là vi phạm truyền thống văn hóa Việt Nam nên khi muốn thuyết phục DN lại không có căn cứ cụ thể”, ông Trung nói với PV Báo Giao thông. Vị cán bộ này cũng cho hay, nội dung này đã được ngành kế hoạch đầu tư kiến nghị từ lâu nhưng tới nay Bộ VN-TT-DL vẫn chưa đưa ra được danh mục cụ thể.

Ảnh: Tuổi trẻ

Kể từ thời điểm áp dụng luật mới (ngày 1/7) tới nay, theo ghi nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, vấn đề mà các nhân viên của Sở phải “gỡ” nhiều nhất cho DN vẫn là chuyện trùng tên. Trước đây, theo luật cũ, DN khi đăng ký chọn tên thì chỉ cần không trùng với tên của các DN khác trong phạm vi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. “Nhưng nay khác, theo luật mới thì phạm vi này mở rộng ra phạm vi toàn quốc”, ông Trung phân tích.

Như vậy, khi DN tới đăng ký kinh doanh, các cán bộ của Sở phải tra tên của DN xem có trùng với tên nào trước đó không. Ông Trung kể, với các DN tư nhân, nếu trùng tên thì chỉ cần yêu cầu DN chọn một cái tên khác là xong nhưng với các DN Nhà nước cổ phần hóa (CPH) thì khá phức tạp. Bởi khi tiến hành CPH, bán cổ phần để chuyển đổi mô hình, các DN Nhà nước phải trải qua nhiều bước phức tạp, trong đó phải được UBND tỉnh, TP đồng ý, duyệt phương án, ban hành quyết định, thành lập hội đồng… và thống nhất được tên gọi. Sau đó, mới gửi hồ sơ lên Sở để đăng ký. “Khi đó, nếu trùng tên với một doanh nghiệp đã đăng ký trước thì cũng không thể bắt UBND ban hành lại quyết định, thành lập lại hội đồng và thực hiện lại hàng loạt thủ tục rắc rối phức tạp”, ông Trung cho hay. Chính vì thế, cách đây khoảng hai năm khi làn sóng CPH DN Nhà nước vào giai đoạn tăng tốc, Sở đã bố trí một phó phòng đăng ký kinh doanh ngồi ngay tại Ban cải cách đổi mới DN để tiện tư vấn tên DN trong quá trình CPH. “Chúng tôi mất đứt một phó phòng. Tới nay, anh này vẫn phải ngồi ở đấy trong khi công việc chất đống”, ông Trung chia sẻ.

Cao Sơn

Nguồn Báo Giao Thông


Brands Vietnam là Cộng đồng Marketing và Xây dựng Thương hiệu toàn diện tại Việt Nam, với những sản phẩm và dịch vụ có kết nối chặt chẽ với nhau để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của marketers nói chung, người làm kinh doanh nói riêng.

Lầu 3, tòa nhà Viet Solutions, số 125/11 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

© 2012 – 2022 Brands Vietnam.

Bản quyền thuộc về Công ty TNHH WEBRAND, giấy phép ĐKKD số 0311614186 do Sở KH&ĐT cấp ngày 10/03/2012.

Giấy phép MXH số 194/GP-BTTTT ký ngày 21/05/2019.

Nhiều trường hợp chọn tên doanh nghiệp (DN) khiến cơ quan quản lý bối rối vì không biết có vi phạm quy định về thuần phong mỹ tục Việt Nam hay không.

Đã qua giờ tan tầm một ngày cuối hè oi ả, Phòng Đăng ký kinh doanh 3 củ

Share This Article