Với những đợt cắt giảm nhân sự tại Vice News, cho thôi việc tại Mashable, và những hoạt động pháp lý liên tiếp đe dọa Gawker Media, vài tuần vừa qua thực sự là khoảng thời gian khó khăn của các hãng tin điện tử.
Sau một t
Với những đợt cắt giảm nhân sự tại Vice News, cho thôi việc tại Mashable, và những hoạt động pháp lý liên tiếp đe dọa Gawker Media, vài tuần vừa qua thực sự là khoảng thời gian khó khăn của các hãng tin điện tử.
Sau một thời kỳ tăng trưởng dài với triển vọng nắm giữ chìa khóa tiến tới tương lai, những hãng tin trực tuyến này lại bất ngờ thụt lùi.
Theo trang ejo.ch, ngay sau khi chuyển từ việc chỉ ra những xu hướng mới, những bài viết theo kiểu liệt kê, hay video giải trí sang tin tức báo chí nghiêm túc, các hãng tin trực tuyến dường như lại muốn rút chân khỏi lĩnh vực này. Không chỉ những người làm việc tại các hãng tin điện tử, mà những người muốn làm việc trong ngành cũng cảm thấy lo lắng. Lấy tiền đâu để trả cho các nhà báo tương lai?
Ở Anh, một sự thoái trào đang diễn ra với ba tờ báo online thương mại lớn nhất đất nước. Chiến lược cung cấp nội dung thông tin miễn phí đã mang lại lượt truy cập lớn, nhưng lại không đồng nghĩa với lượng thu nhập tương xứng. 100 nhà báo đang rời khỏi The Guardian, và những vị trí chủ chốt tại Daily Telegraph cũng đang bị cắt giảm.
“Mô hình báo chí được tài trợ bởi quảng cáo có tuổi đời 150 năm đã đi qua, và tôi không nghĩ nó sẽ quay trở lại”, Peter Jukes, một blogger kiêm nhà sáng lập Byline – trang báo chí lấy nguồn quỹ từ đám đông cho biết.
Nguồn: Felix Clay / theguardian.com
Theo Jukes, những khó khăn gần đây của các hãng tin trực tuyến là rất lớn. “Không phải chỉ là điều chỉnh lại, mà đây là một vấn đề lớn về cấu trúc.”
Vice News được cho là sẽ cô đọng lại những gì mà thế hệ Thiên niên kỷ muốn biết về các sự kiện gần đây. Những ông lớn truyền thông như 21st Century Fox và A+E Networks là hai trong số nhiều nhà đầu tư của Vice.
Nhà đồng sáng lập Shane Smith từng nói rằng Vice có thể trở thành “CNN kế tiếp”. Thế nhưng tuần vừa qua, Vice News đã phải cắt giảm 15 nhân viên biên tập tại Mỹ và 5 tại London, bao gồm các cộng tác viên nước ngoài tiếng tăm như Harriet Salem hay John Beck.
Nhiều tuần trước đó, Pete Cashmore, nhà sáng lập Mashable, trang tin tự phong là “tiếng nói của văn hóa điện tử” cũng đã cho 30 nhân viên biên tập thôi việc, mặc dù mới thu hút được 15 triệu USD tiền tài trợ. Các nhà báo bị cho thôi việc này nói rằng các trang tin tức đang “chuyển đổi từ đưa tin nghiêm túc” sang “văn hóa giải trí điện tử.”
Nadja Oertelt, một nhà báo của Mashable chẳng lấy gì làm kinh ngạc về “bước đi chiến lược” kể trên.
Hãng tin Gawker Media, thành lập năm 2003 bởi Nick Denton, cựu nhà báo của Financial Times kiêm chủ các trang tin như Gizmodo hay Jezebel, hiện đang bị các hoạt động tư pháp công kích dữ dội. Gawker trước đó đã thua vụ kiện với Hulk Hogan, một cựu vận động viên đấu vật đã được tòa án cho nhận bồi thường tới 140 triệu USD vì bị xâm phạm đời tư.
Internet từng một thời được cho là nơi lánh nạn và tránh bị buộc tội phỉ báng, nhưng những gì đang diễn ra với Gawker lại đang khiến những hãng tin tương tự phải sợ hãi.
Hulk Hogan, cựu đô vật vừa thắng kiện và được Gawker bồi thường 140 triệu USD vì bị xâm phạm đời tư. Nguồn: ejo.ch
Tiến sĩ Paul Lashman – trưởng khoa báo chí thuộc Đại học Sussex, đồng tác giả cuốn Online Journalism: The Essential Guide (Báo chí trực tuyến: Cẩm nang cần thiết) cho rằng, mặc dù Gawker nổi tiếng với những câu chuyện lá cải, nhưng những vụ tấn công pháp lý vào trang tin này “có thể gây ảnh hưởng đến cả những trang tin tức nghiêm túc khác”.
Ngay cả BuzzFeed, trang thông tin trực tuyến được cho là thành công nhất mới đây cũng đã gặp phải vấn đề. Tờ Financial Times cho biết BuzzFeed đã không thể đạt được các mục tiêu tài chính nội bộ, và CNN thì khẳng định doanh thu dậm chân tại chỗ của trang tin này cho thấy BuzzFeed đã từ bỏ vai trò đưa tin tức để tiến vào lĩnh vực giải trí dễ sinh lời hơn. Trong khi BuzzFeed kịch liệt phủ nhận, thì đây có lẽ chính là chiến lược mà Mashable đang áp dụng.
Vice News, trong xu hướng tiến gần hơn tới truyền hình, dường như chỉ cần các nhà báo đa phương tiện có thể xử lý các đoạn video. Paul Bradshaw – giáo sư báo chí trực tuyến tại Đại học thành phố Birmingham có quan điểm thoải mái hơn về tình trạng hỗn loạn gần đây của các trang tin trực tuyến.
Ông xác định đang có một bước chuyển từ nhu cầu đưa những tin tức thường ngày đang được các hãng tin khác thực hiện và chẳng thu được mấy lợi nhuận từ quảng cáo. “Điều này rất giống tái cấu trúc lại ngành. Bạn đang bị thụt lùi lại, nhưng vẫn có sự quan tâm với những nội dung độc đáo và độc quyền từ phía khán giả”.
Kết quả khảo sát cho thấy những người tiêu dùng tin tức trẻ, cũng giống người cao tuổi, có xu hướng tìm đến các hãng tin truyền thống và đáng tin cậy để tìm hiểu các tin tức nóng hổi nhất.
Giáo sư Bradshaw cho biết, đây là một lĩnh vực khá mới mẻ và vẫn đang tìm hướng đi. “Tất cả mọi người lập ra một trọng tâm rồi lại phá bỏ trọng tâm đó, và cứ mỗi sáu tháng lại có một sự chuyển dịch. Sự chuyển dịch hiện nay là hướng đến truyền hình và video trực tiếp. Khó mà biết được xu hướng này sẽ kéo dài bao lâu”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lashmar cho rằng các nhà quảng cáo không nghĩ những khán giả của các trang tin tức online có sự ham thích với các trang tin như họ vẫn làm với những tờ báo. Peter Jukes thì tin là Google và Facebook mang đến những thương hiệu nhắm vào mục tiêu người đọc hiệu quả hơn.
Theo Tomorrow’s News (Tin tức ngày mai) – một cuộc khảo sát mới được Reuters đưa ra tuần qua – cho thấy 62% người được hỏi ở mọi lứa tuổi cho biết họ sẽ không trả tiền để xem tin tức dù tin tức đó “độc đáo và có chất lượng cao”.
58% người trẻ – được gọi bằng thuật ngữ thế hệ Thiên niên kỷ – kỳ vọng việc “tiêu thụ tin tức” của họ sẽ tăng trưởng. 90% thì nói rằng họ tìm đến những thương hiệu tin tức họ tin tưởng để xác nhận tính chính xác của một tin tức mới.
Jeff Perkins – trưởng ban thương mại của Reuters ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi cho biết kết quả khảo sát cho thấy những người tiêu dùng tin tức trẻ, cũng giống người cao tuổi, có xu hướng tìm đến các hãng tin truyền thống và đáng tin cậy để tìm hiểu các tin tức nóng hổi nhất. “Kết quả cho thấy [các hãng tin tức trực tuyến] không thể nhảy ngay vào lĩnh vực tin tức và kỳ vọng có được sự tin tưởng như một tổ chức đã có thâm niên 165 năm”.
Tin tức trực tuyến vẫn đang trong những buổi bình minh của mình. Thế nhưng, việc xây dựng một hãng tin giống như CNN không phải là chuyện dễ dàng như người ta vẫn nghĩ.
Mai Nguyễn / VietnamPlus
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn
Brands Vietnam là Cộng đồng Marketing và Xây dựng Thương hiệu toàn diện tại Việt Nam, với những sản phẩm và dịch vụ có kết nối chặt chẽ với nhau để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của marketers nói chung, người làm kinh doanh nói riêng.
Lầu 3, tòa nhà Viet Solutions, số 125/11 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
© 2012 – 2022 Brands Vietnam.
Bản quyền thuộc về Công ty TNHH WEBRAND, giấy phép ĐKKD số 0311614186 do Sở KH&ĐT cấp ngày 10/03/2012.
Giấy phép MXH số 194/GP-BTTTT ký ngày 21/05/2019.
Với những đợt cắt giảm nhân sự tại Vice News, cho thôi việc tại Mashable, và những hoạt động pháp lý liên tiếp đe dọa Gawker Media, vài tuần vừa qua thực sự là khoảng thời gian khó khăn của các hãng tin điện tử.
Sau một t