Cholimex sẽ có bạn đường dài?

admin

Sở hữu tài sản lớn, nền tảng kinh doanh không tệ, Nhà nước không nắm giữ vai trò chi phối sau cổ phần hóa, vì sao IPO của Cholimex không thành công như kỳ vọng?

Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn

Sở hữu tài sản lớn, nền tảng kinh doanh không tệ, Nhà nước không nắm giữ vai trò chi phối sau cổ phần hóa, vì sao IPO của Cholimex không thành công như kỳ vọng?

Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) là doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ và hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, trực thuộc UBND TP.HCM. Doanh nghiệp này đang đẩy mạnh cổ phần hóa

Chỉ tính riêng công ty con của Cholimex (sở hữu 100%) là Khu công nghiệp Vĩnh Lộc đã có giá trị tài sản trên 1.000 tỷ đồng. Việc kinh doanh hiện khá thuận lợi, doanh thu rất ổn định và đóng góp tốt vào lợi nhuận của Cholimex. Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food), một công ty liên kết mà Cholimex đang nắm 40,72% vốn sở hữu cũng đang hoạt động rất hiệu quả ở các mảng kinh doanh nước chấm, gia vị và thực phẩm đông lạnh cao cấp với doanh thu mỗi năm lên tới hàng ngàn tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức trên 20%/năm.

Một công ty liên kết khác của Cholimex, với tỷ lệ sở hữu gần 20% là Công ty Tân Bình Tanimex (TIX) đang quản lý KCN Tân Bình 1 và 2 cũng có nguồn thu khá ổn định và duy trì tỷ lệ chia cổ tức hàng năm trên 20%… Tính chung, doanh thu và lợi nhuận của Cholimex tăng trưởng đều, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu đạt trên mức 10% trong 3 năm gần đây. Các khoản nợ đều nằm trong mức rất thấp, trong đó phần lớn là nợ dài hạn.

Với những nền tảng tốt như trên, Ban lãnh đạo Cholimex kỳ vọng cổ phần hóa là phương cách giúp doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, nắm bắt cơ hội đầu tư tốt hơn. Thế nhưng, trái ngược với kỳ vọng, đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, trong số 21,58 triệu cổ phần, tương đương 24,92% vốn, chỉ 64% số cổ phần được mua, trong khi mức giá khởi điểm của đợt đấu giá cũng bằng chính mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng.

Mặc dù tổng giá trị Cholimex huy động được trong đợt IPO cũng đạt hơn 138 tỷ đồng, nhưng với việc còn quá nhiều cổ phiếu chưa bán được, có thể nói Cholimex đã không thành công trong đợt IPO này.

Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, sức hấp dẫn của một doanh nghiệp không đơn thuần chỉ ở một vài mảng kinh doanh tốt mà còn phải xét tổng thể cũng như tiềm năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai từ các khoản đầu tư.

Xác định bỏ vốn lớn vào Cholimex, ban lãnh đạo TMS chắc chắn phải có quyết tâm đầu tư dài hạn.

Nhìn vào lĩnh vực kinh doanh, Cholimex đang hoạt động đa dạng và đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Cholimex có 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 1 công ty con và 8 công ty liên kết. Đầu tư đa ngành đã khiến chi phí quản lý của doanh nghiệp này khá cao với tỷ lệ bình quân chiếm 10% doanh thu, trong đó có thời điểm lên đến gần 20%. Một số lĩnh vực đầu tư không tạo ra nhiều lợi nhuận biên: giá vốn hàng bán của Cholimex rất cao, chiếm tỷ trọng gần 90% doanh thu cho thấy, công tác quản lý chưa thực hiệu quả và đồng đều ở các lĩnh vực kinh doanh.

Một điều nữa khiến các nhà đầu tư e ngại là Cholimex đang dự kiến xây dựng một loạt dự án đầy tham vọng, đòi hỏi lượng vốn khá khổng lồ (xem box). Hầu hết các dự án này hiện mới ở giai đoạn lập xong quy hoạch hoặc đang kêu gọi nguồn vốn để triển khai. Các nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận nhanh, chắc chắn sẽ khó “xuống tiền”, còn nhà đầu tư dài hạn cũng phải cân nhắc vì khó kiểm soát rủi ro trong trường hợp xảy ra những biến động kinh tế vĩ mô.

Dù chưa “thắng lớn” như mong đợi, nhưng cả số cổ phiếu chưa bán được hết trong lần IPO, lẫn số cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược của Cholimex đã được Công ty cổ phần Transimex Sài Gòn (TMS) chào mua (30,328 triệu cổ phần, tương đương 35,02% vốn điều lệ Cholimex). Giá mua mà TMS đưa ra là 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, số tiền mà TMS bỏ ra là trên 300 tỷ đồng.

TMS là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và có sở hữu cảng ICD. Tình hình kinh doanh của TMS khá tốt khi suốt từ năm 2004 đến nay, doanh thu TMS tăng trưởng đều hàng năm và chưa bao giờ bị lỗ. Xét về doanh thu, TMS hoàn toàn không thua kém Cholimex: doanh thu bình quân hàng năm gần 500 tỷ đồng, thậm chí lợi nhuận sau thuế còn tốt hơn. Lãi ròng năm 2014 của TMS là 138 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ Cholimex chỉ kiếm được 25 tỷ đồng.

Tham vọng của Cholimex
Dự án Cao ốc phức hợp Cholimex: Tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng
Dự án xây dựng xưởng sản xuất nước sốt và thực phẩm đông lạnh: Tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng
Dự án mở rộng Khu công nghiệp Vĩnh Lộc: 1.000 tỷ đồng
Dự án xây dựng KCN Vĩnh Lộc 3: 5.000 tỷ đồng



Đối chiếu với các điều kiện đặt ra để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Cholimex thì ngoài việc không chuyên kinh doanh về lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và chế biến tinh lương thực, thực phẩm, các điều kiện còn lại đều nằm trong tầm với của TMS.

Với việc chuyển mũi nhọn đầu tư vào Cholimex, rõ ràng TMS đang hướng đến mở rộng chuỗi cung ứng dịch vụ logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng lợi thế Khu công nghiệp Vĩnh Lộc có sẵn và đang triển khai mở rộng thêm của Cholimex. Điều này cũng phù hợp với với chiến lược sau cổ phần hóa của Cholimex là tập trung thế mạnh kinh doanh thương mại dịch vụ và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, khi xác định đầu tư vào Cholimex, chắc chắn ban lãnh đạo TMS hướng đến đầu tư dài hạn, vì một mặt khoản tiền bỏ ra là không nhỏ, hơn nữa số cổ phiếu sẽ không được chuyển nhượng trong vòng 5 năm.

Ông Đào Xuân Đức, Tổng Giám đốc Cholimex cho biết, khi thực hiện tiến trình cổ phần hóa, Cholimex sẽ thoái vốn khỏi những công ty liên kết đang kinh doanh không hiệu quả và sau cổ phần hóa vẫn tiếp tục tập trung phát triển các thế mạnh hiện có, như kinh doanh thực phẩm, các lĩnh vực thương mại dịch vụ và cơ sở hạ tầng. Mảng thực phẩm hiện đang chiếm tới 70% doanh thu của Cholimex, nhưng sau cổ phần hóa, nguồn thu từ kinh doanh cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tăng lên.

Giờ là lúc chờ xem sau cái bắt tay của TMS và Cholimex – nếu thương vụ được hoàn tất, hiệu quả kinh doanh của Cholimex sẽ thay đổi thế nào.

Minh Phương

Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp


Brands Vietnam là Cộng đồng Marketing và Xây dựng Thương hiệu toàn diện tại Việt Nam, với những sản phẩm và dịch vụ có kết nối chặt chẽ với nhau để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của marketers nói chung, người làm kinh doanh nói riêng.

Lầu 3, tòa nhà Viet Solutions, số 125/11 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

© 2012 – 2022 Brands Vietnam.

Bản quyền thuộc về Công ty TNHH WEBRAND, giấy phép ĐKKD số 0311614186 do Sở KH&ĐT cấp ngày 10/03/2012.

Giấy phép MXH số 194/GP-BTTTT ký ngày 21/05/2019.

Sở hữu tài sản lớn, nền tảng kinh doanh không tệ, Nhà nước không nắm giữ vai trò chi phối sau cổ phần hóa, vì sao IPO của Cholimex không thành công như kỳ vọng?

Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn

Share This Article
Leave a comment