Cơ hội cuối của Hoàng Anh Gia Lai?

admin

Với hướng đi lạc quan trong lĩnh vực nông nghiệp, bầu Đức đang có cơ hội cuối để đưa Hoàng Anh Gia Lai trở lại thời hoàng kim.

1.120 tỉ đồng là mục tiêu lợi nhuận trong năm 2022 của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), gấp

Với hướng đi lạc quan trong lĩnh vực nông nghiệp, bầu Đức đang có cơ hội cuối để đưa Hoàng Anh Gia Lai trở lại thời hoàng kim.

1.120 tỉ đồng là mục tiêu lợi nhuận trong năm 2022 của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), gấp 9 lần so với năm trước và hoàn toàn tương phản với chuỗi thua lỗ kéo dài nhiều năm qua. Đã lâu lắm rồi, người ta mới thấy ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng Quản trị HAGL, người thường có những phát ngôn gây sốc, tự tin mục tiêu lợi nhuận cam kết khi trả lời trước giới đầu tư và truyền thông. Cùng lúc đó, thị trường tài chính lộ lên tin đồn về sự kiện M&A giữa HAGL với một tập đoàn đa ngành nổi tiếng về bất động sản và thức ăn chăn nuôi dù bên mua chưa xác nhận chính thức.

Sau 2 năm thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng, HAGL của bầu Đức đã có lãi trở lại năm 2021 với con số 120 tỉ đồng. Mặc dù lợi nhuận so với quy mô tài sản vẫn còn rất khiêm tốn nhưng đây là tín hiệu tích cực cho triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn của tập đoàn. Giá cổ phiếu HAG đã phục hồi từ 5.000 đồng lên 11.000 đồng, thậm chí có thời điểm tăng gấp 3 lên ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu.

Mảng thịt heo bất ngờ trở thành động lực dẫn dắt kết quả kinh doanh của tập đoàn. HAGL đang sở hữu 7 cụm chuồng trại chăn nuôi heo với công suất khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái với năng suất một con heo nái đẻ ra khoảng 25 con heo thịt/năm).

Ở mảng trái cây, sau khi bán đi Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cho Tập đoàn Thaco, HAGL vẫn còn sở hữu quỹ đất tương đối dồi dào. Tính đến cuối năm 2021, tổng diện tích trồng cây ăn trái vào khoảng 10.000 ha. Trong đó, diện tích chuối đã trồng là 5.000 ha, bao gồm 2.500 ha tại Việt Nam, 1.500 ha tại Lào và 1.000 ha tại Campuchia cùng các loại cây khác.

Giá thịt heo trong các năm gần đây đứng ở mức cao, có thời điểm lên đến hơn 200.000 đồng/kg. Điều này mang đến lợi nhuận rất lớn cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp chế biến, phân phối. Chẳng hạn, lợi nhuận của Masan MEATLife trong năm 2021 đạt kỷ lục 1.254 tỉ đồng, tăng 154% so với mức lãi 492 tỉ đồng của năm 2020.

Dự kiến trong năm nay, HAGL sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi heo với việc đầu tư thêm 9 cụm chuồng trại chăn nuôi heo nái và heo thịt, trong đó bao gồm 2 cụm chuồng trại tại Lào và 2 cụm chuồng trại tại Campuchia, nâng tổng số cụm chuồng trại lên thành 16 cụm với công suất hơn 1 triệu con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng nuôi 2.400 con heo nái và 60.000 con heo thịt).

Theo nguồn tin riêng của NCĐT, HAGL sẽ ưu tiên hợp tác với các đối tác sở hữu kênh phân phối đủ lớn để phát triển sản phẩm thịt heo có thương hiệu. Thương vụ này kèm theo quyền mua cổ phần chiến lược trong HAGL để từ đó hình thành nên một liên minh bền vững có năng lực cạnh tranh theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn (3F).

Ngành chăn nuôi heo được đánh giá rất tích cực trong trung và dài hạn nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt heo có chất lượng, thương hiệu gia tăng nhanh. Đây được đánh giá là phân khúc lớn nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) với thị trường trị giá hơn 10 tỉ USD, gấp 2,5 lần giá trị thị trường sữa. Trong chế độ ăn của người Việt Nam, thịt heo chiếm 70% protein động vật.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán Việt Nam có khả năng sẽ vươn lên vị trí thứ 2 Châu Á về tiêu thụ thịt heo vào cuối năm 2021. Sản lượng thịt heo dự kiến tăng lên 4 triệu tấn vào năm 2025 và đạt mức 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 3,1% trong giai đoạn 2021-2030.

Bầu Đức khẳng định giữ vững lập trường làm nông nghiệp lấy chăn nuôi và cây ăn trái là mũi nhọn.

Áp lực cạnh tranh trong ngành đang rất khốc liệt với sự tham gia của hàng loạt thương hiệu lớn như C.P., Masan hay Vissan. Thậm chí, doanh nghiệp lớn của ngành thép Hoà Phát cũng tham gia vào thị trường này. Để gia tăng nhanh quy mô, một số doanh nghiệp lựa chọn gia tăng quy mô sản xuất theo hướng thuê trang trại hay thuê gia công bên thứ 3.

Bên cạnh đó, diễn biến khó lường của giá thức ăn là điều gây khó khăn. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới khi việc giảm thuế đối với mặt hàng ngô và lúa mì chính thức được thông qua.

Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi khó có khả năng giảm sâu và vẫn sẽ neo cao so với giai đoạn 2018-2019 do chi phí đầu vào dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao. Giá cước vận tải tăng mạnh đã đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh. Và tình trạng trên dù có nhiều dấu hiệu cải thiện nhưng khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn.

Tuy vậy, kiểm soát chi phí nguyên liệu thức ăn lại là lợi thế của HAGL. Tại Đại hội cổ đông năm 2021 của Tập đoàn, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết có thể tái sử dụng 50% lượng chuối trồng ra để xay nghiền thành bột pha trộn vào thức ăn chăn nuôi thay bắp, cám gạo, do đó chỉ cần nhập đậu nành. Chi phí thức ăn của HAGL ước tính thấp hơn nhiều so với thị trường và giúp giá thành sản phẩm thịt heo ở mức 36.000 đồng/kg.

Quỹ đất rộng là lợi thế khác của HAGL bởi đối với ngành chăn nuôi, khó nhất là khâu xin phép xây dựng chuồng trại, do phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, khu vực xây dựng phải xa khu dân cư, cách ly tuyệt đối, trong khi HAGL hiện có các vị trí chuồng trại rất tốt.

Năm 2022, tập đoàn dự kiến đưa ra thị trường 400.000 con heo thịt chuyên ăn chuối, qua đó xây dựng thương hiệu sản phẩm của Công ty tới tay người tiêu dùng. “Thức ăn chiếm 65% con heo, thì HAGL chủ động được đến 40%. Nên nói về chuyện nuôi heo, lỗ là không có”, ông Đức tự tin khẳng định. Tất nhiên, thất bại trong tham vọng nuôi bò các năm trước khiến cho lời tuyên bố hùng hồn lần này của ông Đức tiếp tục gây hoài nghi cho giới đầu tư.

Đưa thịt heo trở thành mảng kinh doanh chiến lược là ngã rẽ khá bất ngờ của bầu Đức. Đó có thể còn là cơ hội cuối trong cuộc đời kinh doanh của ông để hồi sinh HAGL. Thực tế sau khi lần lượt buông nhiều mảng kinh doanh, từ mía đường, cao su, bất động sản đến công ty con HAGL Agrico, cấu trúc hoạt động của HAGL đã gọn nhẹ đáng kể và bảng cân đối kế toán trở nên sạch sẽ hơn.

Sự nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức đầy ắp sự thăng trầm. Ở thời hoàng kim trước năm 2011, với chủ lực là các mảng kinh doanh gỗ và bất động sản ở giai đoạn thuận lợi, lợi nhuận ngàn tỉ mỗi năm là điều bình thường đối với tập đoàn HAGL. Ông Đức còn thành lập Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG, sở hữu toà cao ốc ở trung tâm Yangon (Myanmar), mạnh dạn bỏ thị trường Việt Nam sang Lào trồng cao su, mía đường hay là doanh nhân đầu tiên tậu máy bay riêng.

Nhưng việc phát triển quá nhanh và không kiểm soát các khoản nợ khiến tập đoàn gặp bất lợi khi nền kinh tế trải qua giai đoạn suy thoái ngay sau đó. Thậm chí, nhiều thời điểm HAGL đứng trước tin đồn phá sản khi kiểm toán viên đưa ra quan điểm ngoại trừ về khả năng hoạt động liên tục và ngân hàng từ chối cho vay. Điều may mắn mỗi khi đứng trước thời điểm khó khăn, bầu Đức lại gặp được các “ân nhân” cứu giúp, mang lại dòng tiền mới cho tập đoàn. Năm 2017, HAGL bán mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công với giá 1.330 tỉ đồng. Tập đoàn cũng lần lượt bán đi các mảng thuỷ điện, khoáng sản.

Bước ngoặt lớn nhất diễn ra vào năm 2019 khi bầu Đức quyết định khởi đầu quá trình chuyển nhượng toàn bộ công ty nông nghiệp và mảng kinh doanh bất động sản cho tỉ phú ô tô Trần Bá Dương trong một cuộc “hôn nhân” tỉ USD. Nợ vay vì vậy cũng giảm đi hàng chục ngàn tỉ đồng. “HAGL cảm ơn anh Trần Bá Dương, chính vì anh Dương vào giúp mà HAGL có thể trả nợ và trở lại”, bầu Đức chia sẻ. Ông nói thêm: “Nếu tập đoàn sinh ra được HAGL Agrico thì cũng có thể tạo ra nhiều công ty con khác, miễn là còn sức khoẻ. Hoàng Anh Gia Lai còn làm tiếp, chưa giơ tay đầu hàng. Mình cố gắng từ từ, coi như xoá bài làm lại từ đầu”.

Thực tế, các bước đi gần đây của bầu Đức xem ra khá đúng hướng mặc dù HAGL vẫn còn khoản lỗ luỹ kế 4.432 tỉ đồng cuối năm 2021 và đang đứng trước nguy cơ phải huỷ niêm yết sau động thái điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 đều là số âm. Tình huống buộc HAGL kiến nghị cho phép áp dụng điều kiện thử thách là “Nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét huỷ niêm yết”.

Sau khi tái cấu trúc, trước đây, danh sách công ty con, công ty liên kết của HAGL kéo dài tới hơn 50 đơn vị, thì nay chỉ còn 4-5 công ty con. Gánh nặng nợ vay của HAGL giảm đi đáng kể khoảng 10.000 tỉ đồng nợ tại ngân hàng, dư nợ vay giảm phân nửa còn hơn 13.400 tỉ đồng và có kế hoạch giảm tiếp về còn 5.000 tỉ đồng trong năm 2022. Kết quả hoạt động kinh doanh trên báo cáo tài chính của HAGL đã được soát xét bán niên năm 2021 lãi 18 tỉ đồng và ước tính cả năm 2021 đạt trên 120 tỉ đồng. Dự kiến kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của HAGL với doanh thu thuần đạt 4.820 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.120 tỉ đồng. Đồng thời, HAGL cũng có định hướng năm 2022 với các nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường các biện pháp tái cơ cấu tài chính, phấn đấu giảm số dư nợ phải trả ngân hàng xuống còn 5.000 tỉ đồng.


Mảng nông nghiệp với chuối và nuôi heo bất ngờ trở thành động lực dẫn dắt kết quả kinh doanh của HAGL.

Trước các cổ đông, bầu Đức thừa nhận đã sai khi bỏ bất động sản năm 2012 giữa lúc doanh nghiệp đang trên đỉnh cao. Tuy nhiên, ông khẳng định không quay lại đường đua cũ, thay vào đó, giữ vững lập trường làm nông nghiệp lấy chăn nuôi và cây ăn trái là mũi nhọn.

Quyết tâm của ông Đức trong lĩnh vực này biến HAGL trở thành doanh nghiệp hiện có chuyên môn hoá cao từ khâu đầu vào lẫn đầu ra dựa trên quy mô đại công nghiệp và các tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện. “Hoàng Anh Gia Lai đang có cấu trúc gọn gàng hơn trước rất nhiều, có thể đi rất nhanh”, ông Đức nói.

Bên cạnh nhiệm vụ đưa “heo ăn chuối” trở thành chiếc phao cứu sinh cho HAGL, bầu Đức còn tham gia mảng cà phê khi cùng với ông Trần Thanh Hải (NutiFood) và Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm Group) gây dựng nên chuỗi cà phê Ông Bầu với tông vàng gây chú ý. Tính đến tháng 11/2020, cà phê Ông Bầu cho biết đạt hơn 187 quán sau 9 tháng ra mắt, trải dài khắp cả nước. Tốc độ mở rộng được tăng tốc khi dịch bệnh được kiểm soát và độ nhận diện thương hiệu gia tăng.

Tuy cạnh tranh khốc liệt nhưng tiềm năng của thị trường cà phê rất lớn. Theo nghiên cứu của Euromonitor năm 2020, giá trị thị trường cà phê và trà Việt Nam đạt khoảng 1 tỉ USD nhưng chưa có đơn vị nào giành thị phần áp đảo. Cộng hết những cái tên phổ biến hiện nay như Starbucks, Highlands Coffee, The Coffee House, Phúc Long và Trung Nguyên… cũng chưa đến 20% thị phần. Mức tiêu thụ cà phê trung bình hiện nay của mỗi người Việt chỉ bằng 1/3 mức tiêu thụ bình quân của thế giới.

Tuy nhiên, thách thức vẫn trước mắt khi HAGL đang dấn thân vào một trong những lĩnh vực khó khăn nhất là nông nghiệp với rất nhiều rủi ro như đất đai phân tán, nông dân làm ăn manh mún, thiên tai, dịch bệnh và lợi nhuận thấp.

Mặc dù vậy, trong phiên họp Đại hội cổ đông, ông Đức tuyên bố rằng từ năm 2022, sẽ phấn đấu dùng lợi nhuận từ kinh doanh để xoá sạch lỗ luỹ kế cho đến giữa năm 2023. “Hãy tin tôi, trong thời gian rất ngắn, các bạn sẽ rất ổn”, ông Đức cho biết đây là câu nói suốt 5 năm qua chưa bao giờ dám nói và là lần đầu tiên kêu gọi cổ đông.

Nguyễn Sơn

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Brands Vietnam là Cộng đồng Marketing và Xây dựng Thương hiệu toàn diện tại Việt Nam, với những sản phẩm và dịch vụ có kết nối chặt chẽ với nhau để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của marketers nói chung, người làm kinh doanh nói riêng.

Lầu 3, tòa nhà Viet Solutions, số 125/11 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

© 2012 – 2022 Brands Vietnam.

Bản quyền thuộc về Công ty TNHH WEBRAND, giấy phép ĐKKD số 0311614186 do Sở KH&ĐT cấp ngày 10/03/2012.

Giấy phép MXH số 194/GP-BTTTT ký ngày 21/05/2019.

Với hướng đi lạc quan trong lĩnh vực nông nghiệp, bầu Đức đang có cơ hội cuối để đưa Hoàng Anh Gia Lai trở lại thời hoàng kim.

1.120 tỉ đồng là mục tiêu lợi nhuận trong năm 2022 của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), gấp

Share This Article
Leave a comment