Flappy Bird, Haivl.com vào top 10 sự kiện ICT Việt Nam 2014

admin

Hiện tượng Flappy Bird, vụ hacker tấn công VCCorp, MobiFone “ra riêng”, Haivl.com bị đóng cửa vĩnh viễn… được bình chọn vào top 10 sự kiện công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) tiêu biểu của Việt Nam năm 2014, do Câu lạc bộ Nhà báo Côn

Hiện tượng Flappy Bird, vụ hacker tấn công VCCorp, MobiFone “ra riêng”, Haivl.com bị đóng cửa vĩnh viễn… được bình chọn vào top 10 sự kiện công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) tiêu biểu của Việt Nam năm 2014, do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam công bố chiều 29/12.

Xuất hiện từ cuối tháng 1/2014 trên hai chợ ứng dụng Google Play và App Store, game Flappy Bird của tác giả người Việt có tên Nguyễn Hà Đông đã gây sốt trên toàn cầu, vì tính đơn giản nhưng rất khó chơi của trò chơi trên thiết bị di động này.

Sau khi nổi tiếng trên toàn cầu, một số trang tin nước ngoài đã có những bình luận cho rằng Flappy Bird “đạo” hình ảnh đồ họa từ trò game kinh điển Mario của hãng Nintendo, tuy nhiên sau đó chính Nintendo đã khẳng định Flappy Bird không vi phạm tới bất kỳ bản quyền nào của hãng.

Flappy Bird trở thành hiện tượng game nổi tiếng toàn cầu và được báo chí thế giới ca tụng hết lời. Tuy nhiên, sau khi có thông tin doanh thu từ quảng cáo của Flappy Bird có thể lên tới 50 ngàn USD/ngày, các cơ quan quản lý thuế đã đề cập đến vấn đề truy thu thuế đối với tác giả Nguyễn Hà Đông.

Người chơi Flappy Bird cũng bắt đầu có xu hướng phát cuồng vì trò game quá khó, dẫn tới những hành động tiêu cực như đập điện thoại, có những hành vi mất kiểm soát cùng việc đưa lên YouTube các video cay cú vì trò game này.

Trước những áp lực từ người chơi trên toàn cầu về những tác động tiêu cực, cùng những quan điểm trái chiều tại Việt Nam đòi truy thu thuế Flappy Bird hay sự đố kỵ rằng trò game này chỉ là sự vi phạm bản quyền về hình ảnh và ý tưởng, Nguyễn Hà Đông đã quyết định gỡ bỏ trò game này khỏi hai chợ ứng dụng di động trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Flappy Bird vẫn được lọt vào 10 từ khóa tìm kiếm trên Google nhiều nhất toàn cầu năm 2014, và Nguyễn Hà Đông cũng lọt vào danh sách 10 triệu phú công nghệ làm giàu từ Internet do trang The Richest bình chọn.

Sáng 13/10/2014, nhiều báo điện tử lớn cùng hàng chục trang tin của VCCorp đều ngừng hoạt động. VCCorp cho biết đã khắc phục sự cố Data Center sau hơn một ngày.

Tuy nhiên, đến chiều tối 16/10, hệ thống website này lại bị sập một lần nữa, đại diện VCCorp thừa nhận có dấu hiệu bị tấn công, và thủ phạm có trình độ cao, tấn công bài bản nhằm mục đích phá hoại.

VCCorp cũng khẳng định rằng cuộc tấn công xuất phát từ bên ngoài.

Sau khi phối hợp cùng các cơ quan chức năng như C50, VNCERT…, VCCorp cho biết đã phát hiện phương thức tấn công rất tinh vi, cài lén virus gián điệp vào hệ thống máy tính của công ty này từ nửa năm trước. Công ty này ước tính tổng thiệt hại sau vụ tấn công vào khoảng 20-30 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhóm thủ phạm tấn công được cho là cũng phải bỏ chi phí lớn để mua phần mềm gián điệp, nằm vùng thu thập dữ liệu mật, ước tính khoảng 500.000 USD.

Ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 888/QĐ-Ttg phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014 – 2015, theo đó điều chuyển nguyên trạng MobiFone tách khỏi VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

Đây được xem là chuyển biến quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu VNPT để tinh gọn bộ máy, tăng cường tính hiệu quả. Phương án tách MobiFone cũng đã nằm trong dự doán của giới chuyên môn về viễn thông, do mạng di động này đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc cổ phần hóa và hoạt động tương đối độc lập với tập đoàn VNPT.

Tuy nhiên, việc MobiFone được tách khỏi tập đoàn mà không phải gánh theo 60 đơn vị khác của VNPT đang làm ăn thua lỗ, lại khiến nhiều người bất ngờ.

Tháng 11/2014, tỉnh Thái Nguyên chính thức trao chứng nhận đầu tư cho công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEVT) để xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại mới với tổng vốn đầu từ 3 tỷ USD.

Khi nhà máy này đi vào hoạt động, tổng số công nhân tại 3 nhà máy của Samsung sẽ lên đến con số 100.000 người. Với tổng vốn đầu tư tại Việt Nam là 11,2 tỷ USD, Samsung trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Tính đến giữa năm 2015, riêng các nhà máy tại Việt Nam đã sản xuất ra 35% lượng smartphone bán ra toàn cầu của Samsung. Con số này dự kiến tăng lên thành 50% vào giai đoạn cuối năm.

Cùng với việc Microsoft đang dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Bắc Ninh, LG mở nhà máy mới tại Hải Phòng, người ta đã bắt đầu nhắc đến thuật ngữ “công xưởng sản xuất smartphone” của thế giới tại Việt Nam.

Ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết này nhằm thay thế Chỉ thị 58 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, được Bộ Chính trị ban hành năm 2000.

Nghị quyết 36 đã đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam tới năm 2030, với những quan điểm coi công nghệ thông tin là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36 cho thấy sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng đối với công tác ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong đời sống xã hội.

Xuất hiện từ đầu năm 2013 trên Internet, trang web Haivl.com được cộng đồng mạng tại Việt Nam biết đến với nhiều video clip và hình ảnh chế hài hước do thành viên tự đăng tải lên và bình luận.

Trong năm 2014, Haivl.com trở thành một trong những trang web có lượng truy cập hàng đầu tại Việt Nam với lượng fan đông đảo, chủ yếu là giới trẻ, có doanh thu quảng cáo vào khoảng 9 tỷ đồng/năm.

Ngày 8/10/2014, Công ty Cổ phần Quảng cáo Trực tuyến 24H đã mua lại Haivl.com với số tiền vào khoảng 33 tỷ đồng. Chỉ hơn hai tuần sau, ngày 24/10, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra quyết định xử phạt hành chính và thu hồi giấy phép đối với Công ty Cổ phần Công nghệ APPVL Việt Nam, đơn vị đang sở hữu website đình đám này.

Theo quyết định xử phạt, Haivl.com bị xử phạt hành chính 205 triệu đồng và rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn vì đã vi phạm pháp luật với các hành vi như: cung cấp, trao đổi, truyền đưa thông tin có nội dung xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh hùng dân tộc; không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép mạng xã hội theo quy định, khi thay đổi người chịu trách nhiệm chính trang thông tin điện tử…

Tháng 6/2014, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng cung cấp phần mềm Ptracker cho phép nghe lén và lấy trộm thông tin từ điện thoại smartphone, quá trình cài đặt chỉ mất từ 3-5 phút.

Công ty này đã cung cấp dịch vụ để cài đặt phần mềm gián điệp Ptracker cho hơn 14.000 điện thoại tại Việt Nam.

Máy chủ của Việt Hồng cũng lưu giữ rất nhiều thông tin nhạy cảm do phần mềm Ptracker “lấy trộm” được từ các smartphone bị nghe lén, bao gồm cả tin nhắn, danh bạ, hình ảnh, ghi âm cuộc gọi, ghi âm môi trường xung quanh…

Theo kết quả xác minh của đoàn thanh tra, từ tháng 9/2013 đến thời điểm thanh tra, Việt Hồng đã thu lợi bất chính trên 900 triệu đồng. Các đối tượng kinh doanh phần mềm Ptracker đã bị cơ quan chức năng tạm giữ để phục vụ quá trình điều tra và xử phạt nghiêm theo pháp luật.

Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin diễn ra cuối tháng 6/2014, Thủ tướng đã đồng ý cho các cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ công nghệ thông tin để tạo ra thị trường cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin.

Việc cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ công nghệ thông tin có nhiều ưu điểm như cơ quan Nhà nước không phải đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng, không phải tăng biên chế mà vẫn có được dịch vụ chuyên nghiệp và công nghệ luôn cập nhật.

Doanh nghiệp sẽ bỏ vốn đầu tư còn cơ quan Nhà nước sử dụng theo hình thức thuê lại và trả phí dần theo từng năm sẽ giải được bài toán thiếu kinh phí đầu tư cho các dự án chi từ ngân sách trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giảm tình trạng nhiều cơ quan Nhà nước cùng xin vốn ngân sách để đầu tư xây dựng những hệ thống tương tự nhau gây lãng phí đầu tư.

Mặt khác, tiến độ triển khai các dự án công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước sẽ được đẩy nhanh hơn vì không phải mất quá nhiều thời gian vào việc lập kế hoạch xây dựng dự án đầu tư.

Uber là dịch vụ hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng di động, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế.

Cho dù mới chỉ xuất hiện ở Tp.HCM và Hà Nội trong một thời gian ngắn, dịch vụ này đã gây bão dư luận. Những xe tham gia Uber không có biển hiệu taxi, không có hoạt động tính tiền như những xe taxi khác, mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng.

Uber thường rẻ hơn, lại phục vụ tốt hơn, có sự tham gia của cả các xe sang, khiến cho các hãng taxi phản ứng quyết liệt.

Trước việc cơ quan quản lý có ý kiến về tính hợp pháp của Uber, trong khi nhiều nước trên thế giới cũng có làn sóng phản đối dịch vụ này, Uber đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động tại Việt Nam.

Chỉ đến khi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng lên tiếng ủng hộ việc hợp pháp hóa dịch vụ này, Uber mới được “cởi trói”. Cuối tháng 12, Bộ Tài chính đã lên khung sơ bộ về tính hai loại thuế với dịch vụ đặc biệt này.

Cũng về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND Tp.HCM giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM liên quan đến việc xem xét, cân nhắc thời điểm cho phép taxi Uber hoạt động tại Việt Nam.

Từ ngày 2/3 đến ngày 9/3/2014, người dùng Internet ở Việt Nam bị ảnh hưởng khi kết nối đi quốc tế vì tuyến cáp quang biển AAG tiến hành bảo dưỡng.

Ngày 5/7/2014, tuyến cáp quang biển này lại bị sự cố tại vị trí cách bờ biển Vũng Tàu 18 km lại gây gián đoạn việc cung cấp dịch vụ của các nhà khai thác viễn thông trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, ngày 15/9/2014 trên hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG từ Việt Nam, hướng chủ yếu đi Hồng Kông, Mỹ, đoạn thuộc vùng biển gần Hồng Kông lại bị đứt khiến Inernet của Việt Nam kết nối đi quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Như vậy, trong năm 2014, liên tục các sự cố đứt cáp quang biển AAG đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người sử dụng Inernet bởi sự cố này làm mất từ 40 – 70% lưu lượng kết nối Inernet đi quốc tế của Việt Nam.

Sự cố liên tiếp của tuyến cáp quang biển AAG cũng đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải tính đến phương án kết nối khác để đảm bảo hạn chế tối đa những sự cố đứt cáp quang biển ảnh hướng lớn đối với sử dụng dịch vụ.

Nguồn VN Economy

Brands Vietnam là Cộng đồng Marketing và Xây dựng Thương hiệu toàn diện tại Việt Nam, với những sản phẩm và dịch vụ có kết nối chặt chẽ với nhau để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của marketers nói chung, người làm kinh doanh nói riêng.

Lầu 3, tòa nhà Viet Solutions, số 125/11 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

© 2012 – 2022 Brands Vietnam.

Bản quyền thuộc về Công ty TNHH WEBRAND, giấy phép ĐKKD số 0311614186 do Sở KH&ĐT cấp ngày 10/03/2012.

Giấy phép MXH số 194/GP-BTTTT ký ngày 21/05/2019.

Hiện tượng Flappy Bird, vụ hacker tấn công VCCorp, MobiFone “ra riêng”, Haivl.com bị đóng cửa vĩnh viễn… được bình chọn vào top 10 sự kiện công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) tiêu biểu của Việt Nam năm 2014, do Câu lạc bộ Nhà báo CônFlappy Bird, Haivl.com vào top 10 sự kiện ICT Việt Nam 2014

Share This Article
Leave a comment