Harvard luận bàn Công thức chiến thắng của Sir Alex Ferguson (Phần 1)

admin

Ảnh: Independent

Một vài người gọ

Ảnh: Independent

Một vài người gọi ông là nhà cầm quân tài ba nhất trong lịch sử. Trước khi nghỉ hưu vào tháng 5/2013, Ngài Alex Ferguson đã trải qua 26 mùa giải dẫn dắt Manchester United, câu lạc bộ bóng đá Anh có giá trị chuyển nhượng cao nhất và thành công nhất trong lịch sử thể thao.

Trong suốt thời gian đó, câu lạc bộ đã giành được 13 danh hiệu của giải ngoại hạng Anh cùng 25 chiếc cúp trong và ngoài nước – đưa ông trở thành huấn luyện viên thành công nhất ở giải ngoại hạng Anh. Hơn cả một huấn luyện viên, ông còn đóng vai trò trung tâm trong điều hành tổ chức United, không chỉ quản lý đội bóng mà còn toàn bộ câu lạc bộ. “Steve Jobs là Apple; Ngài Alex Ferguson là Manchester United,” Cựu giám đốc điều hành của câu lạc bộ David Gill nói.

Vào năm 2012 bà Anita Elberse – giáo sư Harvard Business School (HBS), đã có một cơ hội hiếm có để xem xét cách tiếp cận về quản lý của Ngài Ferguson và phát triển một case study cho HBS xoay quanh vấn đề đó. Hiện tại, bà và ông Ferguson đang hợp tác trong việc phân tích các phương pháp dẫn đến thành công của ông.

Giáo sư Anita Elberse – Tác giả bài viết

Ảnh: Roger Ebert

Anita Elberse: Nhu cầu muốn được tìm hiểu về sự thành công và tầm ảnh hưởng của Sir Alex Ferguson không chỉ là của riêng các fan bóng đá. Ông ấy đã làm như thế nào? Những thói quen và nguyên tắc nào dẫn đến thành công của ông? Trong suốt mùa giải cuối cùng mà ông phụ trách, tôi và học trò cũ là Tom Dye đã tiến hành một loạt các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với ông Ferguson về phong cách lãnh đạo và xem cách ông dẫn dắt tại sân huấn luyện của United và tại sân vận động danh tiếng Old Trafford – nơi một bức tượng đồng cao 9 feet của nhà cầm quân cũ tọa lạc sừng sững bên ngoài. Chúng tôi nói chuyện với những người mà ông Ferguson từng làm việc chung, từ ông David Gill đến những trợ lý huấn luyện viên, quản lý, và cả các cầu thủ. Và chúng tôi đã quan sát ông Ferguson trong nhiều cuộc họp và các cuộc trò chuyện ngắn với các cầu thủ và nhân viên tại các lối đi, trong các tiệm ăn, trên sân tập, và bất cứ nơi nào khác nếu có cơ hội. Ông Ferguson sau đó đã đến HBS tham dự buổi giảng dạy các case study tiếp theo, chia sẻ quan điểm của mình, và trả lời các câu hỏi của sinh viên. Kết quả là dù cả khán phòng phải đứng lên vì không còn chỗ, nhưng vẫn hào hứng và nhiệt tình trao đổi.

Ông Ferguson và tôi đã bàn về 8 bài học lãnh đạo để nắm bắt các yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận của ông. Mặc dù tôi đã cố gắng không đề cập các khía cạnh quá khó, nhưng nhiều bài học trong số đó chắc chắn có thể được áp dụng rộng rãi hơn, trong kinh doanh và cả cuộc sống. Trong bài viết này, tôi mô tả mỗi bài học mà tôi đã quan sát được và sau đó mời ông Feguson chia sẻ.

Sau khi đến Manchester, vào năm 1986, ông Ferguson tạo ra một tổ chức dài hạn bằng việc trẻ hóa đội bóng. Ông đã thành lập hai “trung tâm tài năng” cho các cầu thủ trẻ có triển vọng nằm trong độ tuổi lên 9 và chiêu mộ một số nhà tuyển dụng, thúc giục họ mang đến cho ông những tài năng trẻ hàng đầu. Bản hợp đồng đầu tiên nổi tiếng nhất của ông là David Beckham. Người quan trọng nhất có lẽ là Ryan Giggs – người mà ông Ferguson đã chú ý khi còn là một cậu bé 13 tuổi gầy gò vào năm 1986 và trở thành cầu thủ bóng đá người xứ Wales đạt nhiều huy chương nhất của mọi thời đại. Ở tuổi 39, Giggs vẫn là một thành viên thường xuyên ở United. Các ngôi sao lâu năm như Paul Scholes và Gary Neville cũng nằm trong chương trình đào tạo tài năng trẻ sớm nhất của Ferguson. Cùng với Giggs và Beckham, họ trở thành cầu thủ chủ chốt trong các đội bóng lớn của United vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, điều mà Ferguson tin tưởng sẽ giúp hình thành nên một câu lạc bộ mang bản sắc hiện đại.

Đó là một sự đặt cược lớn vào thế hệ tài năng trẻ, dù cho tại thời điểm mà những kẻ khôn ngoan – như một bình luận viên bóng đá – nhìn vào và thốt lên rằng: “Bạn không thể giành bất cứ chiến thắng nào với những đứa trẻ.” Ferguson tiếp cận quá trình một cách có hệ thống. Ông chia sẻ về sự khác biệt giữa việc xây dựng một đội bóng, điều mà hầu hết các nhà quản lý tập trung, và xây dựng một câu lạc bộ.

Nếu bạn cho những người trẻ thấy được sự quan tâm của bạn và cơ hội để thành công, khi đó họ sẽ mang lại những kết quả tuyệt vời khiến bạn kinh ngạc.

Sir Alex Ferguson: Từ lúc tôi đến Manchester United, tôi chỉ nghĩ một điều duy nhất: xây dựng một câu lạc bộ bóng đá. Tôi muốn xây dựng ngay từ điều cơ bản nhất. Điều đó nhằm tạo ra sự hỗ trợ liên tục cho đội hình một. Với phương pháp này, tất cả các cầu thủ cùng phát triển và tạo ra một sự gắn kết, từ đó, hình thành nên tinh thần đồng đội.

Khi tôi đến, chỉ có duy nhất một cầu thủ trong đội bóng là dưới 24 tuổi. Bạn có thể tưởng tượng điều đó không, đối với một câu lạc bộ như Manchester United? Tôi hiểu rằng tập trung vào người trẻ sẽ phù hợp với lịch sử của câu lạc bộ, và kinh nghiệm huấn luyện trước đó mách bảo với tôi rằng chiến thắng với các cầu thủ trẻ là điều hoàn toàn có thể và tôi sẽ làm việc tốt với họ. Vì vậy, tôi tự tin rằng nếu United muốn đạt được bất kì danh hiệu gì, thì việc xây dựng lớp trẻ là điều rất quan trọng. Bạn có thể nghĩ rằng thật can đảm khi làm điều này, nhưng may mắn luôn ưu ái cho sự can đảm.

Ý nghĩ đầu tiên của 99% các nhà quản lý mới được bổ nhiệm là họ phải chắc chắn giành chiến thắng – điều giúp họ ở lại với đội bóng. Vì vậy, họ mang đến những cầu thủ có kinh nghiệm. Điều này là dễ hiểu vì chúng ta đang ở trong một ngành công nghiệp được thúc đẩy bởi kết quả. Tại một số câu lạc bộ, chỉ cần thua ba trận liên tiếp, bạn sẽ bị sa thải. Trong thế giới bóng đá ngày nay, với các ông bầu và chủ tịch câu lạc bộ như hiện tại, tôi không chắc rằng bất kỳ câu lạc bộ nào sẽ có đủ kiên nhẫn để chờ đợi cho một người quản lý xây dựng một đội bóng trong khoảng thời gian bốn năm.

Chiến thắng một trận đấu chỉ là thành quả ngắn hạn – bạn có thể thua trong trận tiếp theo. Xây dựng một câu lạc bộ cần đem đến sự ổn định và nhất quán. Bạn không bao giờ muốn rời mắt khỏi đội hình một, nhưng những nỗ lực phát triển dàn cầu thủ trẻ của chúng tôi cuối cùng đã dẫn đến nhiều thành công vào những năm 1990 và đầu những năm 2000. Các cầu thủ trẻ thực sự đã trở thành tinh thần của câu lạc bộ.

Tôi luôn tự hào khi thấy các cầu thủ trẻ phát triển. Công việc của một nhà cầm quân, cũng giống như của một giáo viên, đó là truyền cảm hứng để người khác làm tốt hơn. Huấn luyện họ những kĩ năng có kĩ thuật, giúp họ trở thành những người chiến thắng, và họ có thể đi bất cứ nơi nào trong cuộc sống. Khi bạn cho người trẻ một cơ hội, bạn không chỉ tạo giúp đội bóng trường tồn, mà bạn còn tạo ra lòng trung thành. Họ sẽ luôn luôn nhớ rằng bạn là người quản lý, người đã cho họ cơ hội đầu tiên. Một khi họ biết bạn đang tìm ra hướng đi cho họ, họ sẽ chấp nhận đi theo cách của bạn. Bạn đang thực sự nuôi dưỡng ý định xây dựng một tinh thần gia đình. Nếu bạn cho những người trẻ thấy được sự quan tâm của bạn và cơ hội để thành công, khi đó họ sẽ mang lại những kết quả tuyệt vời khiến bạn kinh ngạc.

Ảnh: The Huffington Post UK

Ngay cả khi đạt được những thành công vang dội, ông Ferguson vẫn tiếp tục xây dựng lại đội bóng của mình. Ông được xem là người xây dựng đội bóng giành chiến thắng trong năm giải đấu khác nhau suốt thời gian còn ở câu lạc bộ và tiếp tục giành tất cả cúp trong suốt khoảng thời gian đó. Quyết định của ông được thúc đẩy bởi niềm tin về vị trí của đội bóng trong quá trình tái cơ cấu và “vòng đời” của các cầu thủ – giá trị mà các cầu thủ mang lại cho đội bóng tại mỗi thời điểm. Quy trình quản lý phát triển tài năng chắc chắn liên quan đến việc cắt giảm cầu thủ, bao gồm cả những cầu thủ kì cựu mà ông Feguson từng gắn bó. “Ông ấy chưa bao giờ nhìn vào hiện tại, mà luôn hướng tới tương lai. Biết rõ những điểm mạnh cần cần phát huy và những gì cần cải tổ lại – đó chính là sở trường của ông”, Ryan Giggs chia sẻ.

Phân tích của chúng tôi về giá trị của một cầu thủ trong một thập kỉ cho thấy Ferguson là một “nhà đầu tư tài ba” của thế thế hệ trẻ. Ông có tư duy chiến lược, logic, và có hệ thống. Trong thập kỷ vừa qua, suốt thời gian mà Manchester United đã 5 lần giành chức vô địch giải ngoại hạng Anh, chi phí chuyển nhượng cầu thủ của câu lạc bộ ít hơn so với đối thủ là Chelsea, Manchester City, Liverpool. Lý do đó là sự cam kết với các cầu thủ trẻ: “Các cầu thủ dưới 25 tuổi hưởng một phần lớn hơn rất nhiều trong thu nhập của United so với các đối thủ cạnh tranh”. Vì United sẵn sàng chuyển nhượng các cầu thủ – những người vẫn còn phong độ, điều này giúp United kiếm được nhiều tiền hơn từ những thương vụ chuyển nhượng so với các đối thủ, vì vậy việc đặt cược vào các tài năng đầy hứa hẹn có thể được tiếp tục. Nhiều cuộc đặt cược vào các cầu thủ trẻ đang trên đỉnh cao của sự nghiệp (ông Ferguson đôi khi bắt buộc phải chi tiền cho những siêu sao hàng đầu, như tiền đạo người Hà Lan Robin van Persie, với giá chuyển nhượng là 35 triệu USD vào đầu mùa giải 2012-2013, khi anh ở tuổi 29). Cầu thủ trẻ có nhiều thời gian và điều kiện để thành công, hầu hết các cầu thủ lớn tuổi đã được chuyển sang cho các đội khác trong khi họ vẫn còn là “tài sản” có giá trị, và một vài cầu thủ kì cựu được giữ lại để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa của câu lạc bộ.

“Việc phân tích dữ liệu về các cầu thủ cho thấy ông Ferguson là nhà đầu tư duy nhất cho các tài năng một cách hiệu quả. Ông có tư duy chiến lược, logic, và có tính hệ thống.”

Sir Alex Ferguson: Chúng tôi xác định ba nhóm tuổi cầu thủ: những cầu thủ từ 30 tuổi trở lên, những cầu thủ khoảng 23 đến 30, và những người trẻ mới vào nghề. Ý tưởng là các cầu thủ trẻ tuổi mới vào nghề sẽ được phát triển và sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn mà những người đi trước đã thiết lập. Mặc dù tôi đã luôn cố gắng để bác bỏ, nhưng tôi tin rằng một đội bóng thành công có lẽ sẽ kéo dài bốn năm, và sau đó cần có một số thay đổi. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng để hình dung hình ảnh đội bóng trong ba hoặc bốn năm nữa và đưa ra các quyết định phù hợp. Vì tôi đã có một khoảng thời gian dài tại United, nên tôi có đủ khả năng để lên kế hoạch, không một ai muốn tôi phải chuyển đến đội bóng khác. Tôi đã rất may mắn khi có được sự tôn trọng đó.

Mục tiêu của ông là từng bước phát triển, thay những cầu thủ lớn tuổi và đưa những cầu thủ trẻ vào. Hai lí do chính yếu đó là: thứ nhất, ai là người chúng ta sẽ đưa vào và chúng ta nhìn thấy họ ở đâu trong thời gian ba năm tới. Thứ hai, đã có dấu hiệu gì cho thấy cầu thủ hiện tại đang già đi? Một số cầu thủ có thể chơi trong một thời gian dài, như Ryan Giggs, Paul Scholes và Rio Ferdinand, nhưng tuổi tác vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Điều khó khăn nhất là từ bỏ một cầu thủ tuyệt vời, nhưng vẫn còn phong độ trên sân cỏ. Nếu bạn nhìn thấy sự xuống dốc, bạn phải tự hỏi những gì sẽ xảy ra trong hai năm nữa.

Ông Ferguson say sưa nói về mong muốn thấm nhuần giá trị trong các cầu thủ của mình. Hơn cả việc huấn luyện những kĩ năng kỹ thuật, ông muốn truyền cảm hứng để họ làm tốt hơn và không bao giờ bỏ cuộc, hay nói cách khác, để khiến họ trở thành người chiến thắng.

Khao khát mãnh liệt giành chiến thắng xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân ông khi còn là một cầu thủ. Sau thành công tại một số câu lạc bộ nhỏ ở Scotland, ông đã ký hợp đồng với một câu lạc bộ hàng đầu, Rangers – đội bóng mà ông đã gắn bó khi còn là một cậu bé – nhưng ông đã sớm rời khỏi khi họ thay quản lý mới. Ông rời Rangers ba năm sau với một huy chương Scottish Cup Final Runner-Up duy nhất.

Những khó khăn đã cho tôi sự quyết tâm và điều đó đã tạo nên cuộc đời của tôi. Tôi đã khắc sâu vào tâm trí rằng mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc”, ông chia sẻ.

Ảnh: Alex Livesey/Getty Images/Rediff

Ông Ferguson mong đợi thái độ tương tự đối các cầu thủ của mình. Ông chiêu mộ những người mà ông gọi là “những kẻ thua cuộc thảm hại” và yêu cầu họ chăm chỉ tập luyện. Thái độ này được lan truyền qua các năm- cầu thủ không chấp nhận những đồng đội không có thái độ này. Các ngôi sao lớn nhất cũng không ngoại lệ.

Sir Alex Ferguson: Tất cả mọi thứ chúng tôi làm nhằm duy trì các tiêu chuẩn đã đặt ra khi là một câu lạc bộ bóng đá – điều này áp dụng cho việc xây dựng và chuẩn bị cho đội bóng, các cuộc nói chuyện truyền động lực và trao đổi về chiến thuật. Chẳng hạn như, chúng tôi không bao giờ cho phép một buổi huấn luyện tồi tệ. Những màn thể hiện mà bạn thấy trên sân đấu cũng chính là những gì chúng tôi tập luyện. Vì vậy, mỗi buổi huấn luyện đều tập trung vào chất lượng. Chúng tôi không cho phép một sự thiếu tập trung. Tất cả phải tập trung vào cường độ, sự chú ý, tốc độ ở mức tối đa. Chúng tôi hy vọng các cầu thủ sẽ cải thiện sau mỗi buổi huấn luyện.

Tôi đã phải nâng kỳ vọng của các cầu thủ lên. Họ không nên dễ dàng chịu thua. Tôi luôn luôn nói với họ điều đó: “Nếu chịu thua lần một, bạn sẽ thua lần hai”. Có vẻ như nguyên tắc làm việc và năng lượng của tôi đã lan tỏa ra khắp câu lạc bộ. Tôi đã từng là người đến đầu tiên vào buổi sáng. Những năm sau đó, rất nhiều nhân viên của tôi đã có mặt khi tôi đến lúc 07:00 sáng. Tôi nghĩ rằng họ hiểu được lý do tại sao tôi đến sớm – họ nhận thức được công việc cần phải làm. Có một cảm giác rằng “nếu anh ta có thể làm điều đó, thì tôi cũng có thể làm được”.

Tôi luôn nói với đội bóng rằng làm việc chăm chỉ cả cuộc đời là một tài năng. Nhưng tôi mong đợi nhiều hơn ở các ngôi sao bóng đá. Tôi mong họ làm việc chăm chỉ nhiều hơn nữa. Tôi vẫn thường nói với họ, “Các anh nên chứng tỏ mình là những cầu thủ hàng đầu”. Và họ đã làm được. Đó là lý do tại sao họ là ngôi sao bóng đá – họ sẵn sàng luyện tập chăm chỉ hơn. Siêu sao bóng đá với cái tôi không phải là vấn đề như một số người vẫn nghĩ. Họ phải là người chiến thắng, để thỏa mãn cái tôi của họ, vì vậy họ sẽ làm những gì cần thiết để giành chiến thắng. Tôi từng xem Cristiano Ronaldo, một trong những tiền đạo hàng đầu thế giới, hiện đang chơi cho Real Madrid, hay Beckham, Giggs, Scholes, và những cầu thủ khác luyện tập nhiều giờ liền. Tôi đã phải đuổi họ về. Tôi hay đập mạnh vào cửa sổ và nói rằng, “Chúng ta có một trận đấu vào ngày thứ Bảy này đấy”. Nhưng họ muốn dành thời gian để luyện tập thêm. Họ nhận ra rằng để trở thành một cầu thủ Manchester United không phải là một việc dễ dàng.

“Bạn không thể mất quyền kiểm soát, kể cả khi bạn đang thỏa thuận với 30 chuyên gia hàng đầu – những người đã là triệu phú. Và nếu bất kỳ cầu thủ nào muốn thách thức quyền kiểm soát của tôi, tôi luôn sẵn sàng đấu tranh với họ”, ông Ferguson chia sẻ.. Một trong những điều quan trọng để duy trì các tiêu chuẩn trong đội bóng là phản ứng mạnh mẽ của ông Ferguson khi các cầu thủ vi phạm các tiêu chuẩn đó. Nếu vi phạm, họ sẽ bị phạt. Và nếu họ làm ảnh hưởng thành tích của đội bóng, ông Ferguson sẽ để họ ra đi. Năm 2005, khi đội trưởng kì cựu Roy Keane công khai chỉ trích đồng đội của mình, anh đã bị chấm dứt hợp đồng. Năm sau, khi cầu thủ ghi bàn hàng đầu của United vào thời điểm đó, Ruud van Nistelrooy, đã công khai bất mãn với nhiều người, anh đã nhanh chóng bị chuyển sang Real Madrid.

Phản ứng một cách nghiêm khắc ở đây chỉ là một phần của câu chuyện. Phản ứng nhanh chóng, kịp thời trước khi tình huống vượt khỏi tầm kiểm soát, là điều quan trọng không kém để duy trì quyền kiểm soát.

Nếu huấn luyện viên không có quyền kiểm soát, anh ta sẽ không trụ được lâu. Bạn phải nắm quyền kiểm soát toàn diện.

Sir Alex Ferguson: Nếu một ngày, người quản lý của Manchester United bị kiểm soát bởi các cầu thủ, hay nói cách khác, nếu các cầu thủ quyết định việc huấn luyện như thế nào, ngày nào họ được nghỉ, kỷ luật ra sao, và các chiến thuật nên theo hướng nào – thì khi đó Manchester United sẽ không phải là Manchester United mà chúng ta biết nữa. Trước khi tôi đến United, tôi nói với bản thân mình tôi sẽ không cho phép ai được mạnh mẽ hơn tôi. Cá tính của bạn phải lớn hơn họ. Đó là vấn đề cốt lõi.

Có nhiều trường hợp bạn phải tự hỏi mình rằng liệu có cầu thủ nào đó đang làm ảnh hưởng đến bầu không khí trong phòng thay đồ, thành tích của đội bóng, và sự kiểm soát của bạn đối với các các cầu thủ và nhân viên. Nếu có, bạn phải ngăn chặn ngay lập tức. Hoàn toàn không có cách nào khác. Bất kể đó có là cầu thủ tốt nhất trên thế giới. Tầm nhìn dài hạn của câu lạc bộ quan trọng hơn bất cứ cá nhân nào, và người quản lý phải là người quan trọng nhất trong câu lạc bộ.

Một số câu lạc bộ Anh thay đổi người quản lý nhiều lần, điều đó tạo ra quyền lực cho các cầu thủ. Điều này thật sự nguy hiểm. Nếu huấn luyện viên không có quyền kiểm soát, anh ta sẽ không trụ được lâu. Bạn phải nắm quyền kiểm soát toàn diện. Cầu thủ phải nhận ra rằng là một nhà cầm quân, bạn có đủ tư cách để kiểm soát đội bóng. Bạn có thể làm phức tạp cuộc sống của mình theo nhiều cách bằng việc hỏi rằng, “Ồ, tôi tự hỏi liệu các cầu thủ liệu có thích tôi?” Nếu tôi đã làm tốt công việc của mình, các cầu thủ sẽ tôn trọng tôi, và đó là tất cả những gì bạn cần.

Tôi có xu hướng hành động nhanh chóng ngay khi nhìn thấy một cầu thủ đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến những người còn lại. Một số có thể nói rằng hành động này thật bốc đồng, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là tôi đã quyết định nhanh chóng. Tại sao tôi phải đi ngủ với những hoài nghi? Tôi sẽ thức dậy vào ngày hôm sau và thực hiện các bước cần thiết để duy trì kỷ luật. Điều quan trọng là phải có niềm tin vào bản thân để đưa ra quyết định và tiến lên khi bạn sẵn sàng. Đó không phải là tìm kiếm khó khăn hay các cơ hội để chứng tỏ quyền lực; đó là về việc kiểm soát và có thẩm quyền khi phát sinh vấn đề.

Xem tiếp Phần 2

Như Thúy / Brands Vietnam

Nguồn Anita Elberse / Harvard Business Review


Brands Vietnam là Cộng đồng Marketing và Xây dựng Thương hiệu toàn diện tại Việt Nam, với những sản phẩm và dịch vụ có kết nối chặt chẽ với nhau để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của marketers nói chung, người làm kinh doanh nói riêng.

Lầu 3, tòa nhà Viet Solutions, số 125/11 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

© 2012 – 2022 Brands Vietnam.

Bản quyền thuộc về Công ty TNHH WEBRAND, giấy phép ĐKKD số 0311614186 do Sở KH&ĐT cấp ngày 10/03/2012.

Giấy phép MXH số 194/GP-BTTTT ký ngày 21/05/2019.

Ảnh: Independent

Một vài người gọ

Share This Article
Leave a comment