Làng báo thế giới năm 2015 tiếp tục chứng kiến năm ảm đạm đối với báo in, song song với cạnh tranh gay gắt về doanh thu quảng cáo lẫn kênh tiếp cận độc giả của mạng xã hội.
Tại thị trường Mỹ, 2015 vẫn là năm suy thoái đối
Làng báo thế giới năm 2015 tiếp tục chứng kiến năm ảm đạm đối với báo in, song song với cạnh tranh gay gắt về doanh thu quảng cáo lẫn kênh tiếp cận độc giả của mạng xã hội.
Tại thị trường Mỹ, 2015 vẫn là năm suy thoái đối với báo giấy. Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết, lượng phát hành của các số báo trong ngày thường giảm 7%, trong khi phát hành ngày Chủ nhật giảm 4%. Cả 2 mức giảm này đều là cao nhất kể từ năm 2010. Cùng lúc, lợi nhuận từ quảng cáo cũng giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, gần 8% trong giai đoạn 2014 – 2015.
Nhân sự làng báo Mỹ cũng bị tinh giản, khoảng 10% vào năm có số liệu mới nhất là 2014. Như vậy, trong 20 năm qua, đội ngũ làm báo tại Mỹ đã cắt bớt 20.000 vị trí, giảm gần 39%.
Trong bối cảnh báo in suy giảm, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (RISJ) cũng công bố báo cáo toàn cảnh về thị trường tin tức trực tuyến năm qua, để nhấn mạnh sự cạnh tranh của các công ty công nghệ và mạng xã hội (MXH), cũng như nỗ lực của các cơ quan thông tấn để thích ứng với tình hình mới. Nhóm thực hiện khảo sát ở hơn 20 quốc gia, quy mô mẫu mỗi nước là hơn 2.000 người, chủ yếu là các nước phương Tây.
Lượng phát hành của báo giấy tiếp tục giảm đáng kể, trong khi nỗ lực phát triển đọc tin tức trên website và điện thoại bị cạnh tranh gay gắt với các công ty công nghệ và dịch vụ mạng xã hội. Ảnh: Jouranlism.org.
Theo khảo sát của RISJ, 51% những người tham gia khảo sát cho biết họ sử dụng mạng xã hội là nguồn cung cấp thông tin mỗi ngày. Trong số này, 12% ý kiến khẳng định mạng xã hội là nguồn chính. Facebook là kênh thông tin quan trọng nhất để đọc, xem và chia sẻ tin tức.
Đối tượng đọc tin tức nhiều nhất trên mạng xã hội là phụ nữ (họ hiếm khi vào thẳng trang web tin tức hoặc ứng dụng của tờ báo đó) và giới trẻ. Lần đầu tiên, số người trong độ tuổi 18 – 24 khẳng định mạng xã hội là nguồn cung cấp thông tin chính quan trọng hơn truyền hình (28% so với 24%). Truyền hình vẫn là phương tiện tin tức quan trọng nhất với các nhóm người lớn tuổi, nhưng đang theo chiều suy giảm.
Về thiết bị, việc sử dụng điện thoại thông minh để đọc tin tức gia tăng nhanh chóng (khoảng 53%), trong khi lượt đọc tin trên máy tính đang giảm, còn lượt tăng trên máy tính bảng thì chững lại.
Phần lớn độc giả vẫn lưỡng lự không muốn chi tiền đối với các tin tức chung chung, đặc biệt ở những nhóm nước nói tiếng Anh với độ cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, ở những nước nhỏ hơn, do yếu tố ngôn ngữ nên xu hướng sẵn sàng chi trả là gấp đôi.
Tỷ lệ nguồn tiếp nhận thông tin của người Mỹ theo các loại hình qua từng năm, đường màu xanh là tivi, màu đỏ là các trang tin trực tuyến, màu xanh lá là báo in, và đường đứt đoạn là mạng xã hội. Ảnh: RISJ.
Điều khiến những tờ báo đau đầu là tỷ lệ sử dụng các phần mềm chặn quảng cáo gia tăng (khoảng 10% ở Nhật Bản và đến 35% ở Ba Lan). Con số này đặc biệt cao ở những người dưới 35 tuổi và những người thường xuyên đọc tin tức. Phần lớn họ đều đã tải các ứng dụng chặn quảng cáo và sử dụng thường xuyên, hiếm khi ngưng hoặc gỡ bỏ nó. Khoảng 8% người sử dụng điện thoại thông minh cũng đang dùng ứng dụng chặn quảng cáo.
Một điểm đáng quan ngại là xu hướng cá nhân hóa bảng tin, hoặc lựa chọn tin tức dựa trên thuật toán, sẽ khiến độc giả có thể bỏ lỡ những thông tin quan trọng. Phần lớn độc giả trẻ thoải mái với những tin tức xuất hiện dựa trên thuật toán hơn là tin bài do ban biên tập gợi ý.
Trong 5 năm nghiên cứu các nguồn cung cấp thông tin, nhóm nghiên cứu phát hiện xu hướng chung là lượt xem truyền hình và báo, trang tin trực tuyến đang có xu hướng tăng trong khi tỷ lệ đọc báo in ngày càng suy giảm đáng kể.
Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất trong thế giới truyền thông số là sự tăng trưởng của những thông tin truy cập qua mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và Snapchat. Ở Mỹ, số người sử dụng mạng xã hội là nguồn cấp tin chính tăng đến 46% trong tổng mẫu khảo sát, gần gấp đôi kể từ năm 2013.
Nhưng vấn đề không chỉ là tiếp cận với tin tức thông qua mạng xã hội. Đối với Facebook, cách thể hiện tin tức đang trở thành một yếu tố mà dịch vụ này đẩy mạnh phát triển trong năm qua.
Nhu cầu sử dụng mạng xã hội để đọc tin (khối vàng) so với các mục đích khác (khối xanh) trong những nước mà RISJ khảo sát. Tuy nhiên, nhu cầu đọc tin trên mạng xã hội ở Hàn Quốc và Nhật Bản có sự khác biệt so với số liệu chung. Ảnh: RISJ.
Những tin tức xuất hiện từ thuật toán có xu hướng ưu tiên các tin nóng, các video thời sự, live stream, và những hình ảnh có nội dung; trong khi những nhà xuất bản đang nỗ lực đăng tải những định dạng truyền thống. Từ giữa năm 2015, Facebook cũng mở chức năng để các tờ báo có thể đăng “bài báo tức thời”. Khi tin tức đến với độc giả ngày càng nhiều trên mạng xã hội, họ không còn cần thiết phải truy cập trực tiếp vào trang web của báo.
Việc tiếp cận tin tức trên mạng xã hội cũng có những khác biệt đáng kể về thế hệ và giới tính. Chẳng hạn, phụ nữ có xu hướng sử dụng mạng xã hội để đọc tin nhiều hơn đàn ông. Mạng xã hội mà đặc biệt là Facebook là cơ chế tìm kiếm tin tức duy nhất có sức hấp dẫn với phụ nữ hơn đàn ông.
Ngoài ra, bên cạnh đọc tin trên mạng, nhiều người vẫn sử dụng tivi, radio và báo giấy nhưng với mức độ khác biệt đáng kể nếu chia theo độ tuổi. Đối với những nhóm dưới 45 tuổi, tin tức trên mạng quan trọng hơn cả thời sự truyền hình. Đối với độc giả 18 – 24 tuổi, việc tiếp cận thông tin nhiều nhất là từ mạng xã hội (28%), đến tivi (24%) và bỏ xa báo in (6%).
Theo nhóm nghiên cứu, không có nhiều thay đổi đáng kể trong những nền tảng mạng xã hội chủ yếu để đọc tin tức, và Facebook vẫn giữ vị trí hàng đầu. 44% những người tham gia khảo sát nói họ dùng Facebook để đọc tin. YouTube cũng là một kênh thông tin quan trọng (19%), Twitter vẫn là nền tảng chia sẻ tin tức được nhiều nhà báo, chính trị gia và những người “nghiện tin tức” sử dụng (10%), Instagram và WhatsApp đang trong giai đoạn tăng trưởng. Facebook chính là dịch vụ lớn nhất trong tất cả những nước mà nhóm khảo sát tìm hiểu (ngoại trừ Nhật Bản).
Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh để đọc tin tức qua các năm ở những nước như Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Nhật. Ảnh: RISJ.
Không chỉ đọc tin, mạng xã hội còn khuyến khích người dùng thảo luận và chia sẻ thông tin. 24% người đọc tin trên mạng đã chia sẻ các tin tức này trên mạng xã hội mỗi tuần. Họ thường quan tâm về những chủ đề như chính trị, kinh doanh, công nghệ và môi trường. Phần lớn người dùng chia sẻ thông tin về những điều họ đồng tình (như ở Australia, Mỹ). Ngược lại, người dùng ở Anh thường có xu hướng chia sẻ những chuyện họ không thích.
Theo Pew, năm 2015, thị trường Mỹ chi tiêu 59,6 tỷ USD cho quảng cáo số (digital advertising), bao gồm các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, web tin tức và các website khác. Đây là mức tăng 20% so với năm 2014. Các nền tảng số hiện chiếm 33% trong tổng chi quảng cáo (183 tỷ USD) ở mọi nền tảng. Những số liệu này vẫn tiếp tục là mức tăng so với năm 2014 (lần lượt là 28% và 175 tỷ USD). Digital ad được chia theo 2 nhóm: cho thiết bị di động (1) và desktop (2). Trong đó, chi quảng cáo trên nhóm 1 chiếm hơn một nửa trong tổng chi, đạt 31,6 tỷ USD và cao hơn một chút so với 28 tỷ USD quảng cáo trên desktop.
5 công ty công nghệ hàng đầu chiếm phần lớn lợi nhuận từ quảng cáo hiển thị, rồi mới đến những dịch vụ khác, bao gồm báo chí. Ảnh: Pew.
Thống trị về lợi nhuận digital ad vẫn là 5 công ty công nghệ và dịch vụ mạng xã hội lớn: Google, Facebook, Yahoo, Microsoft và Twitter, chiếm 65% tổng lợi nhận từ digital ad trong năm 2015, hay 38,5 tỷ USD trong 59,6 tỷ USD. Trong nhóm này, lợi nhuận digital ad năm 2015 của Facebook và Twitter phụ thuộc lớn vào di động, lần lượt là 77% và 88%. So với đó, quảng cáo trên di động chiếm phần nhỏ hơn trong lợi nhuận digital ad của Google và Yahoo, lần lượt là 41% và 35%.
Về quảng cáo hiển thị (display ad), vẫn là 5 công ty hàng đầu chiếm hết phần lớn của miếng bánh: 59% trên tổng số (hoặc 15,7 tỷ USD trên 26,8 tỷ USD) gồm các công ty như Facebook, Twitter, Yahoo, Google và Verizon. 41% còn lại (11 tỷ USD) mới chia đều cho những website của các báo, các mạng lưới quảng cáo hoặc những dịch vụ mạng xã hội khác.
Minh Anh
Nguồn Zing News
Brands Vietnam là Cộng đồng Marketing và Xây dựng Thương hiệu toàn diện tại Việt Nam, với những sản phẩm và dịch vụ có kết nối chặt chẽ với nhau để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của marketers nói chung, người làm kinh doanh nói riêng.
Lầu 3, tòa nhà Viet Solutions, số 125/11 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
© 2012 – 2022 Brands Vietnam.
Bản quyền thuộc về Công ty TNHH WEBRAND, giấy phép ĐKKD số 0311614186 do Sở KH&ĐT cấp ngày 10/03/2012.
Giấy phép MXH số 194/GP-BTTTT ký ngày 21/05/2019.
Làng báo thế giới năm 2015 tiếp tục chứng kiến năm ảm đạm đối với báo in, song song với cạnh tranh gay gắt về doanh thu quảng cáo lẫn kênh tiếp cận độc giả của mạng xã hội.
Tại thị trường Mỹ, 2015 vẫn là năm suy thoái đối