Người mới học và tham gia marketing cần chuẩn bị gì ?

admin
By admin
Có lẽ chủ đề newbie cần chuẩn bị gì để bước chân vào ngành Marketing là một chủ đề “xưa như Trái Đất” vì đã quá nhiều câu chuyện được nói. Tuy nhiên, không phải vì chủ đề này xưa cũ mà nó không còn hấp dẫn hay giá trị.
Trong bài viết này, sẽ có 5 khía cạnh quan trọng đối với một newbie trong ngành Marketing sẽ được phân tích:

  • Hiểu rõ các dạng năng lực “ngành” Marketing cần ở một newbie
  • Hiểu rõ những thử thách một newbie sẽ đối mặt khi dấn thân vào “ngành”
  • Xác định một lộ trình phát triển sự nghiệp trong “ngành” Marketing
  • Lựa chọn cách để học hỏi kiến thức và kinh nghiệm từ ngành Marketing
  • Tích góp các “vốn liếng” cần thiết trong ngành Marketing

1. Hiểu rõ các dạng năng lực “ngành” Marketing cần ở một newbie

Có lẽ một trong những câu hỏi “văn mẫu” được các bạn ứng viên hỏi nhà tuyển dụng nhiều nhất trong buổi phỏng vấn là: “Anh, chị có thể cho em biết để làm vị trí Content Executive / Account Executive / Media Executive ở công ty mình thì cần có những năng lực, yêu cầu gì?”
Và đa số các nhà tuyển dụng cũng trả lời theo dạng “văn mẫu” không kém:

  • “À, em chỉ cần nỗ lực hết mình, có tinh thần trách nghiệm.”
  • “Công ty mình đòi hỏi tính chuyên nghiệp em ạ. Em phải thật sáng tạo, độc đáo.”

Chừng đó có lẽ là chưa đủ, hãy thử thảo luận sâu xemngành Marketing cần gì ở các newbie mới vào ngành.
Cho dù bạn chọn làm ở Brand (nhãn hàng) hay Agency (công ty quảng cáo), thì chắc chắn vẫn có những tiêu chí năng lực chung mà các công ty này cần ở bạn – một newbie.
Mô hình khung năng lực ASK dưới đây sẽ cho bạn thấy một cái nhìn tổng thể.

Như bạn thấy, dù là Brand hay Agency, các nhà tuyển dụng đều cần các ứng viên ngành Marketing đáp ứng được 3 yếu tố cơ bản:

  • Attitude: Thái độ, tính cách, phẩm chất, văn hoá. Đó có thể là tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hợp tác; hay sự sáng tạo, năng nổ và tình yêu bạn dành cho ngành Marketing.
  • Skills: Các dạng kỹ năng để làm việc và hợp tác, ví dụ kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, quản lý dự án, quản lý đội nhóm…
  • Knowledges: Kiến thức chuyên môn, cụ thể về ngành nghề Marketing như am hiểu các kênh Marketing, có khả năng hoạch định kế hoạch Marketing, am hiểu về trải nghiệm người dùng…

Yếu tố đầu tiên nói về thái độ, 2 yếu tố còn lại nói về trình độ, mà có một câu nói nổi tiếng chắc các bạn đều biết: Thái độ hơn trình độ.

2. Hiểu rõ những thử thách một newbie sẽ đối mặt khi dấn thân vào “ngành”

Marketing là một ngành hấp dẫn đối với các bạn trẻ bởi tính chất trẻ trung, năng động, sáng tạo mà công việc của ngành này mang lại. Ở góc nhìn ngược lại, ngành Marketing cũng có nhiều thử thách dành cho các bạn fresher, newbie.

Thử thách đầu tiên đến từ chính bản thân ngành này. Tính hấp dẫn khiến cho ngày một nhiều bạn trẻ chọn bén duyên với ngành Marketing, khiến ngành có tỉ lệ cạnh tranh cao, đòi hỏi bạn phải thật nỗ lực, trở nên khác biệt, chuyên sâu và đôi khi cần có yếu tố may mắn.
Thử thách tiếp theo đến từ xu hướng, khi Marketing là một trong những ngành có tốc độ thay đổi rất nhanh. Các xu hướng sáng tạo, các công nghệ mới ảnh hưởng đến hiệu quả của chiến dịch Marketing như Big Data, Programatic Advertising… được cập nhật liên tục đòi hòi bạn cũng phải liên tục cập nhật cách xu hướng.
Thử thách thứ 3 đến từ bối cảnh xã hội, tương tác của một người làm trong ngành Marketing. Mọi người thường nói đùa rằng làm Marketing dễ bị FOMO (Fear of Missing Out – nỗi sợ bị bỏ lại sau xu hướng) hơn các ngành khác. Bạn bị áp lực hơn, dễ bị phân tâm hơn và có ít khoảng lặng hơn.
Có thể tóm gọn bối cảnh này trong từ PAID, viết tắt của Pressure (Áp lực), Always-on (Luôn kết nối), Information Overload (Bội thực thông tin)  Distracted (Dễ phân tâm).

3. Xác định cho mình một lộ trình phát triển sự nghiệp trong “ngành” Marketing

Hẳn là khi tìm hiểu về ngành Marketing, trong đầu bạn sẽ xuất hiện những câu hỏi?

  • Mình nên làm ở Brand hay ở Agency? Mình nên làm mảng Creative, Content hay Media, Performance?
  • Làm Executive chừng nào mới lên được Planner, Manager?
  • Một năm hay vài năm nên nhảy bao nhiêu công ty?

Và hàng loạt câu hỏi khác.
Bạn đã từng nghe nói đến khái niệm “Start with the ending in mind” (Tạm dịch: Bắt đầu bằng một đích đến rõ ràng) chưa? Hãy thử áp dụng việc này để thiết kế ra một Career Path (lộ trình phát triển) rõ ràng cho mình trong ngành Marketing này.
Bạn có thể tham khảo một lộ trình được thiết kế để đưa bạn từ newbie đến team leader trong ngành Marketing dưới đây.

Nhóm thấp nhấp là các kỹ năng mang tính Execution (Thực thi) như Content Writing, Ad Management (nôm na là chạy ad). Bạn sẽ dành từ 1-2 năm đầu sự nghiệp để trải nghiệm và thuần thục nhóm kỹ năng này.
Nhóm thứ 2 là Planning (Lập kế hoạch, chiến lược) như Creative Planning, Media Planning, Brand Strategy… Đây là những kỹ năng thiên về hoạch định và chiến lược. Trải qua năm thứ 3-5 của sự nghiệp, khi đã ở những vị trí Senior bạn sẽ cần trải nghiệm và thuần thục các kỹ năng này.
Nhóm cao nhất là Leading (Quản lý, đào tạo, dẫn dắt), gồm những kỹ năng như lập chiến lược tổng thêm leadership, đào tạo, coaching, để lại các giá trị cho tổ chức cộng đồng. Khi ở nhóm này, có nghĩa bạn đang giữ các vị trí như team leader, thậm chí CMO (Giám đốc Marketing); và thông thường bạn sẽ cần từ 5-8 năm để đến vị trí này.

4. Chọn cho mình một mô hình học hỏi kiến thức và kinh nghiệm từ ngành Marketing

Sẽ có nhiều cách để bạn học hỏi kiến thức trong ngành Marketing: học từ các khoá học, học từ các chia sẻ của chuyên gia đi trước, gia nhập và học tập từ các cộng đồng Marketing.
Con đường tiếp cận kiến thức của bạn sẽ còn hiệu quả hơn nếu bạn chọn cho mình một mô hình phù hợp. Mô hình phổ biến nhất dành cho các bạn newbie có lẽ là T Shape Model – con đường xây dựng bộ kỹ năng và kinh nghiệm nghề Marketing theo hình chữ T.

Hiểu đơn giản, mô hình này nghĩa là học hỏi kiến thức đa dạng theo chiều ngang để hiểu biết rộng, sau đó tập trung vào mảng mà bạn yêu thích để có chuyên môn sâu.
Bởi lẽ Marketing là một ngành đòi hỏi bộ kiến thức rộng: tâm lý, xã hội, công nghệ, EQ, văn học.. Trong 1-2 năm đầu vào nghề, bạn cần trải nghiệm, cần lăn xả một tí để làm rộng kiến thức, kinh nghiệm. Tròn 2-3 năm tiếp theo, khi bạn đã khám phá ra sở trường, đam mê của mình, hãy chọn một chuyên môn và đào sâu để vươn tới các vị trí cao cấp hơn.
Một trong những câu hỏi khác được các bạn newbie đặt ra nhiều nhất là nên chọn fullstack hay chuyên sâu một mảng nào đó trong Marketing.
Theo mình công việc fullstack hay chuyên sâu thì đều tốt ở từng thời điểm, miễn là bản thân bạn đang phù hợp và phát triển. Còn nếu bạn thấy nó không ổn thì hãy dừng lại.
Các bạn hay bị định kiến, fullstack là phải làm tất: content, chạy ads, thiết kế, quản lý fanpage… Nhưng mình nghĩ thị trường cũng có ít công ty tranh thủ vậy lắm, nếu có thì cũng bị “bóc phốt” cả rồi. Nếu bạn thấy có vấn đề gì không công bằng, hãy thương lượng và thoả hiệp với công ty.
Ở góc độ ngược lại, nếu bạn không sẵn sàng, trải nghiệm, dấn thân thì sẽ rất khó và rất lâu để biết là ai, mình giỏi gì trong ngành Marketing này. Như một câu nói của Mahatma Gandi “The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others” – (Cách tốt nhất để tìm hiểu mình là ai, mình giỏi gì là phải xắn tay áo lên làm quên mình trong một công việc nào đó).

5. Tip cuối cùng: Tích luỹ đủ các vốn liếng trong ngành Marketing

Các bạn hãy tưởng tưởng việc đi làm là chúng ta giống như những cổ đông đang bỏ vốn công ty mà chúng ta làm. Vốn ở đây chính là thời gian, tuổi trẻ, kinh nghiệm, kiến thức của các bạn.
Đã bỏ vốn, bạn sẽ mong muốn đầu tư hiệu quả và sinh lời phải không? Theo góc nhìn của cá nhân mình, sẽ có 3 loại vốn (Capital) mà bạn cần tích luỹ, đầu tư trong ngành Marketing này.

Vốn kiến thức (Knowledge Capital): Các kiến thức đa chiều bạn học hỏi được trong quá trình làm việc. Đó có thể là kiến thức nền tảng về Marketing, kiến thức về các công cụ hỗ trợ, kiến thức về lập kế hoạch, quản lý dự án…
Vốn kinh nghiệm (Experienced Capital): Kinh nghiệm là một người thầy tuyệt vời, đặc biệt trong ngành Marketing điều này càng đúng hơn. Một người có kinh nghiệm chạy thành công các dự án Marketing sẽ hiểu những khía cạnh chi tiết bên trong dự án, đó đôi khi không chỉ là về chuyên môn marketing, mà lại là những thứ rất không liên quan, nhưng cũng rất quan trọng như làm việc hiệu quả với con người, các yếu tố về giấy phép quảng cáo, những rủi ro có thể phát sinh…
Vốn tin nhiệm hay vốn niềm tin (Trusted Capital):
Bên cạnh vốn kiến thức, bạn sẽ cần vốn niềm tin để phát triển trong ngành Marketing này. Hiểu đơn giản là làm sao “đi đồng nghiệp nhớ, ở đồng nghiệp thương”, làm việc đàng hoàng, chỉn chu, tận tâm… Hơn nữa, ngành Marcom này nó nhỏ lắm. Hỏi qua một vòng là biết ai là ai.
Vốn niềm tin cũng đến từ những đóng góp, ảnh hưởng tích cực của bạn đến cộng đồng Marketers. Vì vậy hãy năng tham gia thảo luận, chia sẻ góc nhìn, cộng hưởng giá trị trên các Group, diễn đàn, sự kiện về Marketing; từ đó mở rộng mối quan hệ.

Tạm kết:

Khi mới bước chân vào ngành Marketing, bạn sẽ mong muốn làm được những campaign lớn, những công việc lớn trong ngành này như Strategy Planning, Creative Planning; thai ngén ra những ý tưởng, sáng tạo ra những chiến dịch thật WOW.
Nhưng sự thật là sẽ không có nhiều việc lớn như vậy để cho chúng ta làm; vì vậy chúng ta hãy bắt đầu ngành Marketing bằng cách làm những việc nhỏ; nhưng với một trái tim lớn. Điều đó có nghĩa là chúng ta cố gắng mang lại sự chuyên nghiệp và chỉnh chu trong từng việc nhỏ mà chúng ta làm: từ một nghiên cứu, báo cáo, cho đến một email. Làm việc nhỏ với trái tim lớn, chính là chìa khoá để bạn làm được việc lớn hơn trong tương lại.
Cuối cùng, chúc các bạn như tiêu đề của bài viết, thật vững chân để vào “ngành” và có thật nhiều trải nghiệm thú vị, ý nghĩa với ngành Marketing.

Share This Article