Giờ ở độ tuổi 60, bà có tên trong top 60 người phụ nữ giàu nhất hành tinh, tài sản xấp xỉ 11 tỷ USD, nhưng hầu như chưa bao giờ bà xuất hiện trên mặt báo, Fortune tiết lộ.
Freddy Heineken, ông trùm thương hiệu Heineken, q
Giờ ở độ tuổi 60, bà có tên trong top 60 người phụ nữ giàu nhất hành tinh, tài sản xấp xỉ 11 tỷ USD, nhưng hầu như chưa bao giờ bà xuất hiện trên mặt báo, Fortune tiết lộ.
Freddy Heineken, ông trùm thương hiệu Heineken, qua đời trong một ngày u ám vào tháng 1/2002.
Đám tang được tổ chức giản dị, chỉ có sự góp mặt của những thành viên gia đình gần gũi, gồm người vợ Lucille, con rể Michel và cô con gái 47 tuổi độc nhất – Charlene de Carvalho.
Cho đến khi cha cô qua đời, Charlene không giữ một đồng tiền nào từ cha mình, ngoại trừ duy nhất một cổ phiếu Heineken, hồi đó trị giá 32USD.
Giờ đây, với cương vị người thừa kế duy nhất của gia tài Heineken, bà nắm trong tay 100 triệu cổ phiếu công ty, tương đương 1/4 tổng số cổ phiếu. 25% cổ phần này cho phép bà bỏ phiếu chống lại bất cứ thành viên nào trong hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, Charlene của năm 2002 không nghĩ nhiều tới quyền lực sau này cho đến khi người cha qua đời.
Khi rời nghĩa trang, chồng bà đã hỏi: “Charlene, em phải quyết định trong vòng 10 ngày về việc có thừa kế vị trí của cha không”.
Điều này đồng nghĩa với việc Charlenes, người không có kiến thức gì về kinh doanh, sẽ phải lên cầm cương một công ty hàng năm thu về 9,3 tỷ USD.
Nhưng cuối cùng, bà đã quyết định tiếp quản cơ ngơi cha để lại. Sửa soạn rời xa cuộc sống yên ấm bên 5 người con tại Anh, Charlene bắt đầu đi công tác vòng quanh thế giới để quan sát hoạt động của Heineken, cũng như thu thập kiến thức để trở thành người kế vị một đế chế lừng lẫy.
Sinh thời, ông Freddy Heineken có một cuộc sống sôi nổi và xa hoa. Ngược lại, con gái ông sống bình lặng tại xứ sở sương mù với chồng và 5 đứa con.
Giờ ở độ tuổi 60, bà có tên trong top 60 người phụ nữ giàu nhất hành tinh, tài sản xấp xỉ 11 tỷ USD, nhưng hầu như chưa bao giờ bà xuất hiện trên mặt báo.
Để hiểu về Heineken và người phụ nữ cầm cương công ty, sẽ không thừa nếu biết một chút về gia phả nhà Heineken.
Năm 1864, ông nội của Charlene, Gerard Adriaan Heineken, mua một xưởng bia nhỏ tại Amsterdam và bắt đầu ủ bia với một loại men đặc biệt. Gerard có một người con trai tên Henry, điều hành Heineken trong vòng 23 năm.
Năm 1942, Henry để mất quyền kiểm soát khi bán cổ phần để trang trải thuế và chi phí mở rộng.
Gerard Adriaan Heineiken là người đặt nền móng đầu tiên cho công ty bia.
Con trai của ông, Freddy Heineken, đầu quân vào công ty từ vị trí thợ khuân vác vào năm 18 tuổi.
Một giai thoại kể rằng năm 23 tuổi, ông Freddy thuê một chiếc Rolls Royce, lái tới ngân hàng và thế chấp ngay lập tức để vay 400.000 USD, sau đó dùng số tiền này để mua cổ phiếu Heineken, đủ để dành lại quyền kiểm soát về cho gia đình.
Ông cũng là người thành lập Heineken Holding NV, công ty sở hữu 50,005% cổ phần của Heineken NV hiện tại.
Lớn lên tại một làng chài Noordwijk tại Hà Lan, Charlene là một cô gái cực kỳ rụt rè. Không giống các tiểu thư khác, cô không được bố mẹ nuông chiều. Cô không có tài xế riêng, mẹ vẫn là người hàng ngày đưa cô đi học.Freddy không có con trai, chỉ có duy nhất cô là con gái, nên ông không ép cô tham gia việc kinh doanh từ nhỏ.Thậm chí đến năm cô 17 tuổi, ông không đồng ý cho cô rời nhà đi học đại học.“Bố tôi nói con còn quá trẻ. Sao con có thể đi học và sống tự lập được”, Charlene kể lại.
Không có nhiều lựa chọn, bà gửi đơn xin học khóa thư ký tại đại học The Hague, sau đó học luật tại Đại học Leiden, bộ môn mà bà thậm ghét. Sau khi hoàn thành khóa học tiếng Pháp ở Geneva và nhiếp ảnh tại thành phố New York, bà vào Heineken thực tập tại Paris. Nhiệm vụ chính của bà là theo chân lãnh đạo chi nhánh tại thủ đô Pháp đi gặp đối tác để “biết mùi” công ty gia đình.
Michel de Carvalho (phải) đóng trong phim “Lawrence xứ Arabia”, 1962.
“Tôi chuyển từ phòng này sang phòng khác, không hứng thú với vị trí nào cả. Tôi chỉ mong ước mình gặp một chàng trai Hà Lan dễ mến, kết hôn và sống bên nhau”, bà nói. Charlene gặp Michel de Carvalho khi đang trượt tuyết ở ngọn Moritz. Michel vốn là một diễn viên điện ảnh, sau này theo học tại Đại học Harvard.
Ông đam mê nhiều môn thể thao, nhưng giờ nhìn lại, ông khẳng định bộ môn “khó nhằn” nhất là thuyết phục ông Freddy tác thành cho hai người. Michel kể lại những bữa tối dài ba tiếng đồng hồ với ông Freddy tại Amsterdam. Ông không ngớt hỏi về gia thế, về các mối tình trước đây, về số dư tài khoản, thậm chí về thị lực của Michel.
“Ông ấy nói tốt về tôi duy nhất một lần, đó là ‘Tôi biết cậu ta không yêu Charlene vì tiền”, Michel nhớ lại.
Một buổi chiều, sau khi rời trụ sở Heineken tại trung tâm Amsterdam, Freddy và tài xế đã bị một nhóm người khống chế, ép lên thùng sau một chiếc xe tải nhỏ.
Trong vòng 21 ngày, Charlene và mẹ làm việc với cảnh sát và người thương thuyết. Bọn bắt cóc đòi 20 triệu USD. Gia đình cô giao đủ số tiền, với những tờ tiền được đánh dấu bí mật.
Freddy thường nói đùa về việc bị nhóm bắt cóc tra tấn: “Chúng bắt tôi uống bia Carlsberg”.
Tuy nhiên sau đó, bọn bắt cóc không giao nộp lại Freddy. Cuối cùng, lần theo dấu vết, cảnh sát tìm thấy Freddy và tài xế bị xích vào bức tường bê tông tại một chiếc nhà kho ở phía Bắc Amsterdam.
Dù đói và mệt, hai người không bị xây xước gì. Sau này, Freddy thường nói đùa về việc bị nhóm bắt cóc tra tấn: “Chúng bắt tôi uống bia Carlsberg”.
Sau sự vụ thót tim đó, Charlene rời Amsterdam dọn về London sống cùng chồng, người đang làm việc tại ngân hàng Credit Suisse.
Hàng tháng, chồng bà đi công tác vòng quanh thế giới, còn bà ở nhà trông coi 5 bé con, hạnh phúc với những niềm vui nho nhỏ. Thậm chí bà không giữ họ Heineken mà chuyển sang họ chồng, de Carvalho.
Sau này, Charlene gọi câu hỏi của chồng trong đám tang cha là một “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với bà, cũng như đối với Heineken.
Freddy giữ tác phong lãnh đạo cực kỳ thận trọng. Đây cũng là yếu tố kéo tụt tăng trưởng công ty trong những năm tháng cuối đời lãnh đạo của ông.
Khi mới lên nhậm chức, mọi người luôn cho rằng Charlene – một phụ nữ không có kiến thức về kinh doanh – sẽ bán công ty, hoặc đẩy nó xuống vực thẳm. Thời gian đầu, Michel thay Charlene đi vòng quanh thế giới, gặp gỡ lãnh đạo và nhà đầu tư, trong lúc Charlene ở nhà chăm sóc con nhỏ. Vào buổi tối, hai vợ chồng thức hàng giờ để trao đổi thông tin và các mẩu ghi ghép. “Tôi bắt đầu cảm thấy rất thích thú”, bà kể lại.
Michel de Carvalho và Charlene tại trụ sở Heineken.
Cam kết không cam thiệp vào hoạt động thường ngày của công ty, hai người tận dụng quyền để cải tổ toàn bộ 4 địa hạt: Hình ảnh công ty, báo cáo tài chính, mua bán sáp nhập, lựa chọn bộ máy lãnh đạo.
Và họ làm tới cùng. Michel từng viết thư cho Chủ tịch Heineken thời bấy giờ, nhắc nhở: “Ông đã thấy một Charlene rất ngọt ngào và dịu dàng. Nhưng đừng quên cô ấy mang trong mình một nửa dòng máu của Freddy. Đó là góc không ai nên động tới”. Nhận thấy Heineken đang vuột mất nhiều cơ hội trên thị trường quốc tế, Charlene kêu gọi hội đồng thay thế CEO Thony Ruys.
Sau khi soát xét nội bộ, hai vợ chồng để ý tới Jean-François van Boxmeer, một nhân viên điều hành cấp thấp gia nhập Heineken từ năm 1984, đã làm việc tại nhiều thị trường mới nổi.
Lên nắm chức CEO, Jean-François van Boxmeer biến hóa cấu trúc của công ty theo cách Charlene cũng không ngờ. Ông đứng ra dẫn dắt vụ sáp nhập Scottish & Newcastle với giá 15,5 tỷ USD. Ông cũng là người ký hợp đồng đối tác với Carlsberg, củng cố thị trường bia châu Âu của Heineken, đồng thời mở lối cho công ty vào lĩnh vực rượu táo màu mỡ.
Năm 2010, Heineken mua Femsa Cerveza, công ty sản xuất bia lớn thứ hai Mexico. Thương vụ 7,6 tỷ USD này mang lại thêm 20.000 nhân viên cho Heineken, nâng tổng số nhân viên toàn công ty lên 81.000. Jean-François van Boxmeer vẫn giữ ghế lãnh đạo Heineken tới tận ngày nay.
Jean-François van Boxmeer – CEO Heineken
Giờ đây, Heineken vẫn là công ty sản xuất bia lớn thứ ba thế giới, sau Anheuser-Busch InBev – sở hữu nhãn hiệu Budweiser, và SABMiller – một trong những nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới với hơn 200 nhãn hiệu. Tuy nhiên doanh số của Heineken đã tăng gấp gần 3 lần. Với doanh thu 24,9 tỷ USD trong năm 2013, công ty sở hữu một danh sách các thương hiệu cao cấp như bia Amstel, Dos Equis, và Sol. Uy tín cao đã đẩy cổ phiếu Heineken đi lên. Giá trị vốn hóa thị trường của Heineken cán mốc 43 tỷ USD, tạo dựng thành công vị trí độc lập trên thị trường bia nhộn nhịp tại châu Âu.
Tuy nhiên, đà thẳng tiến của Heineken tại các thị trường mới nổi như Nigeria và Việt Nam cũng thu hút nhiều sự quan tâm không mong muốn. Trong tháng Chín, công ty SABMiller đã tiếp cận và đề xuất mua lại Heineken. Sau đó, Heineken đưa ra thông cáo cho biết công ty đã “tham vấn cổ đông lớn và thống nhất không thuận theo yêu cầu của SABMiller”. Cổ đông lớn ở đây không ai khác ngoài Charlene, bà không muốn gia đình mất quyền kiểm soát vào tay người ngoài.
Bảo tồn đế chế đã trở thành xứ mệnh quan trọng nhất của Charlene và Michel. Gần đây, hai vợ chồng đã thuê một chuyên gia tư vấn thừa kế tài sản người Anh có tên Martin Jenkins.
Jenkins gặp riêng 5 người con của Charlene, trong tầm 23 – 29 tuổi, trao đổi về hoài bão, nguyện vọng, thắc mắc, thậm chí cả nỗi sợ hãi khi phải thừa kế cả một cơ ngơi từ cha mẹ. Nhà de Carvalhos chưa quyết định sẽ để lại quyền kiểm soát Heineken cho ai, nhưng cậu con trai cả Alexander nổi lên như một ứng cử viên sáng giá. Cậu đang làm việc tại công ty chứng khoán tư nhân Lion Capital tại London. Alexander tham gia hội đồng quản trị của Heineken trong năm ngoái.
Gia đình de Carvalho (từ trái qua): Alexander, Michel, Charlene, Louisa, Charles, Sophie, và Isabel.
Chàng trai trẻ 29 tuổi hào hứng với công việc kinh doanh của gia đình từ khi còn là một cậu bé. “Tôi thường kiểm tra giá cổ phiếu, đọc biên bản họp và tự ghi chép”, Alexander kể lại. Năm cậu 17 tuổi, ông ngoại Freddy qua đời. Mỗi ngày cậu đều đeo chiếc đồng hồ Rolex cũ trầy xước của ông để lại, bắt taxi của hãng Heineken đến chỗ làm.
“Heineken là điều đầu tiên tôi nghĩ đến mỗi buổi sáng thức dậy, là điều cuối cùng tôi nghĩ đến trước khi đi ngủ”, Alexander nói.
Hai vợ chồng sẽ hài lòng nếu Alexander đảm đương nhiệm vụ trở thành người tiếp lửa tiếp theo cho đế chế của công ty gia đình. Nhưng họ cũng không bỏ qua cậu con thứ tên Charles, 23 tuổi, đang làm việc cho một công ty internet tại Việt Nam, hay cô con gái Louisa, 28 tuổi, đang làm cho một công ty phim ảnh tại London. Hai chị em sinh đôi Isabel và Sophie đang theo học âm nhạc và mỹ thuật, có thể đóng góp cho hoạt động từ thiện và xây dựng hình ảnh cho Heineken.
Charlene cho các con hoàn toàn tự lựa chọn sự nghiệp trong tương lai. Bà từng khuyên con rằng: “Nếu có đam mê và khả năng để theo đuổi, con hãy đi đến tận cùng. Có thể đối với con, điều đó sẽ tốt hơn là làm nhiệm vụ người khác giao phó”.
Lề Phương
Nguồn Diễn Đàn Đầu Tư
Brands Vietnam là Cộng đồng Marketing và Xây dựng Thương hiệu toàn diện tại Việt Nam, với những sản phẩm và dịch vụ có kết nối chặt chẽ với nhau để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của marketers nói chung, người làm kinh doanh nói riêng.
Lầu 3, tòa nhà Viet Solutions, số 125/11 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
© 2012 – 2022 Brands Vietnam.
Bản quyền thuộc về Công ty TNHH WEBRAND, giấy phép ĐKKD số 0311614186 do Sở KH&ĐT cấp ngày 10/03/2012.
Giấy phép MXH số 194/GP-BTTTT ký ngày 21/05/2019.
Giờ ở độ tuổi 60, bà có tên trong top 60 người phụ nữ giàu nhất hành tinh, tài sản xấp xỉ 11 tỷ USD, nhưng hầu như chưa bao giờ bà xuất hiện trên mặt báo, Fortune tiết lộ.
Freddy Heineken, ông trùm thương hiệu Heineken, q