Vissan tham vọng là nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất Việt Nam

admin

Có thêm người “cùng thuyền”, Vissan đang ấp ủ tham vọng trở thành nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất Việt Nam.

Được tiếp thêm vốn sau cổ phần hóa, lại có thêm ban lãnh đạo là những cán bộ cốt cán trong những doanh nghiệp kin

Có thêm người “cùng thuyền”, Vissan đang ấp ủ tham vọng trở thành nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất Việt Nam.

Được tiếp thêm vốn sau cổ phần hóa, lại có thêm ban lãnh đạo là những cán bộ cốt cán trong những doanh nghiệp kinh doanh và phân phối thực phẩm hàng đầu, nhưng Vissan lại đặt ra mục tiêu kinh doanh hết sức dè dặt trong giai đoạn 2016-2020 với tốc độ tăng doanh thu khá chậm và lợi nhuận giảm mạnh. Những nhà điều hành mới của Vissan đang ấp ủ toan tính gì?

Trong phiên đấu giá 14% vốn điều lệ của Vissan cho các nhà đầu tư chiến lược hồi tháng 3 vừa qua, với mức giá 126.000 đồng/cổ phần, tương đương với số tiền bỏ ra là 1.424 tỷ đồng, Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế Anco (công ty con của Tập đoàn Masan) trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan.

Hai tháng sau ngày bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Vissan đã có ban lãnh đạo mới. Theo đó, nhân sự cốt cán điều hành Vissan có một số thay đổi quan trọng. Với số phiếu bầu cao nhất, ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc Anco (thuộc Tập đoàn Masan) đã được bầu vào Hội đồng quản trị Vissan. Ông Nguyễn Phúc Khoa (Phó tổng giám đốc Satra) được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, trong khi ông Văn Đức Mười tiếp tục giữ vị trí Tổng giám đốc Vissan.

Việc làm chủ chuỗi cung ứng từ trang trại tới bàn ăn (Feed-Farm-Food) mặc dù không hề đơn giản nhưng luôn là hướng đi bền vững.

Từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong các tập đoàn đa quốc gia như Giám đốc kinh doanh miền Trung của Unilever Việt Nam, Giám đốc kinh doanh kênh siêu thị của Nestle Việt Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Masan Consumer, ông Phạm Trung Lâm là người đóng vai trò trọng yếu trong việc xây dựng Masan Consumer thành công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Sau này, khi Masan thâu tóm Anco, ông Lâm cũng được Masan tin tưởng giao trọng trách thuyền trưởng để dẫn dắt doanh nghiệp này.

Sự tham gia điều hành của Masan mà ông Lâm là đại diện, hứa hẹn sẽ mang đến những thay đổi lớn trong kinh doanh của Vissan và khiến các đối thủ nặng ký khác phải kiêng dè.

Là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hàng đầu Việt Nam, Masan đang ngày càng bành trướng, đặc biệt lưu tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và không giấu tham vọng trở thành nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam với ít nhất 50% thị phần vào năm 2020. Masan đã từng bước hiện thực hóa tham vọng của mình bằng hàng loạt vụ M&A đình đám như: mua lại Vinacafe Biên Hòa (năm 2011), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Saigon Nutri Food, thuộc Tập đoàn Quang Dũng, chuyên sản xuất xúc xích, đồ hộp và chả giò snack ăn liền (năm 2015). Đặc biệt, đại gia này thể hiện rõ quyết tâm bước vào sân chơi có giá trị khoảng 6 tỷ USD mang tên thức ăn chăn nuôi khi mua lại 52% cổ phần của Công ty cổ phần Việt – Pháp, sản xuất thức ăn gia súc (Proconco), 70% cổ phần của Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco)…

Masan cũng tỏ ra quan tâm đặc biệt tới ngành hàng protein động vật, ngành hàng có giá trị khoảng 18 tỷ USD khi cho rằng, tại Việt Nam sản phẩm thịt được chế biến chiếm tỉ lệ dưới 1% của lượng tiêu thụ thịt, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc (chiếm 13%). Ông lớn này cũng nhận thấy sự bất hợp lý về giá trong ngành đạm động vật tại thị trường Việt Nam khi cho rằng, GDP đầu người Việt Nam chỉ bằng 1/10 Mỹ, nhưng giá sản phẩm đạm động vật của Việt Nam cao hơn tới 1,5-2 lần. Trong khi đó, cùng với xu hướng tiêu dùng hiện đại và mức sống ngày càng cải thiện, các sản phẩm thịt chế biến sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Trong ngành sản xuất thực phẩm, việc làm chủ chuỗi cung ứng từ trang trại tới bàn ăn (Feed-Farm-Food) mặc dù không hề đơn giản, nhưng luôn là hướng đi bền vững và là mục tiêu hướng đến của tất cả các doanh nghiệp trong ngành. CP hiện là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi đã hiện thực hóa được quy trình chuỗi khép kín này khi tham gia vào tất cả các khâu của chuỗi sản xuất, từ sản xuất con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chế biến và phân phối thực phẩm.

Với bề dày gần 50 năm trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, Vissan trở thành nhà cung ứng thực phẩm tươi sống lớn nhất nước với thị phần 20%.

Masan có tiềm lực tài chính mạnh, hệ thống quản trị tốt khi quy tụ nhiều nhân sự cấp cao từ các tập đoàn đa quốc gia vốn dày dặn kinh nghiệm. Hệ thống phân phối của Masan cũng phủ dày khắp các tỉnh thành. Với việc sở hữu thị phần cộng gộp của Anco và Proconco lên tới 12%, Masan cũng đã trở thành nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn thứ 2 tại Việt Nam, chỉ đứng sau CP. Nếu xét về mô hình chuỗi cung ứng thì những sản phẩm của Vissan chính là những mảnh ghép còn thiếu của Masan.

Trong khi đó, mặc dù là công ty nhà nước nhưng hoạt động của Vissan lại có nhiều cấp tiến và bám sát nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Với sự dẫn dắt của vị thuyền trưởng Văn Đức Mười, từ năm 2011, Vissan đã ý thức sâu sắc yếu tố sống còn trong ngành thực phẩm chính là kênh phân phối. Công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ với việc chuyển đổi 1000 đại lý thành 116 nhà phân phối trên toàn quốc. Từ 116 nhà phân phối này, Vissan đã nhanh chóng tạo dựng được 130.000 điểm bán hàng trên toàn quốc.

Với bề dày gần 50 năm trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, Vissan trở thành nhà cung ứng thực phẩm tươi sống lớn nhất nước với thị phần 20%. Công ty cũng nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động sản xuất thực phẩm chế biến và nhanh chóng vươn lên dẫn đầu với 65% thị phần xúc xích, 75% thị phần lạp xưởng. Thực phẩm chế biến chính là mảng đem lại biên lợi nhuận gộp cao cho Vissan, lên tới 28-30%. Từ lâu, Vissan cũng ấp ủ mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn và đã thực hiện rất tốt quy trình chăn nuôi – giết mổ – chế biến – tiêu thụ. Tuy nhiên có một khoảng trống lớn từ lâu Vissan đã nhận thấy, nhưng vẫn chưa thể làm được, đó là khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, trong lộ trình kinh doanh sau cổ phần hóa, Vissan sẽ khó tránh khỏi những bỡ ngỡ trong quản lý, điều hành theo cơ chế, hình thức mới, trong khi đây lại chính là thế mạnh của Masan.

Như vậy, có thể coi sự gắn kết giữa Masan và Vissan là sự kết hợp hoàn hảo, trở thành đối trọng lớn của các đại gia ngoại khác hiện đang chi phối thị trường. Thế mạnh của mỗi bên sẽ là những mảnh ghép quan trọng bổ sung vào những điểm khuyết của cả 2 để cùng nhau đi đến tham vọng chung, trở thành doanh nghiệp sản xuất thực phẩm lớn nhất nước.

Để hiện thực hóa tham vọng của mình, doanh nghiệp đôi khi phải bỏ qua những lợi ích trước mắt để đầu tư mạnh tay cho những kế hoạch dài hơi. Vissan không phải là ngoại lệ. Năm 2016, Vissan đặt kế hoạch doanh thu 3.996 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2015, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 99,1 tỷ đồng, giảm 9% so với 2015. Dự tính, đến năm 2020 công ty đạt doanh thu 5.252 tỷ đồng (tăng 31% so với 2016), nhưng lợi nhuận sau thuế giảm còn 52,2 tỷ đồng (giảm tới 47% so với 2016).

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận sau thuế của công ty giảm nhẹ sau 3 năm đầu cổ phần hóa (2016 là 99,1 tỷ đồng, 2017 là 99,4 tỷ đồng, 2018 là 106,6 tỷ đồng) ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc công ty cho biết, là do chi phí hoạt động tăng theo doanh thu, đồng thời phân bổ chi phí lợi thế thương mại nên chi phí hoạt động tăng. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế năm 2019, 2020 giảm mạnh vì trong năm 2019 cụm nhà máy chế biến ở Long An dự kiến đi vào hoạt động nên chi phí lãi vay và chi phí khấu hao tăng. Nhà máy sản xuất có công suất dự kiến 100.000 tấn/năm sản phẩm thực phẩm chế biến này có vốn đầu tư lên tới 1500 tỷ đồng, trong khi đó vốn tự có dự trù khoảng 30%, còn lại doanh nghiệp phải đi vay. Đáng chú ý, Vissan chỉ đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2019 là 9 tỷ đồng, bằng 1/12 so với năm 2015, mặc dù doanh thu vẫn tăng 31% so với năm 2015. Cùng với mức giảm mạnh về lợi nhuận là mức tăng phi mã của chi phí tài chính khi con số này năm 2019 gấp tới 6,3 lần so với năm 2015. Điều này cho thấy, Vissan đang quyết đánh đổi lợi nhuận trong ngắn hạn lấy quy mô sản xuất hùng mạnh và thị phần áp đảo trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm.

“Với sứ mệnh cung cấp phần lớn lượng đạm cho 90 triệu dân, trong điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngay từ đầu Vissan đã thực hiện chương trình 3F (Feed- Farm – Food), truy nguyên nguồn gốc, đảm bảo cho an toàn sức khỏe. “Đây là sứ mệnh cao cả, đòi hỏi những doanh nghiệp lớn như Vissan phải có bước đầu chịu hy sinh nhất định trong chi phí đầu tư, để định hướng lại ngành chăn nuôi, gây dựng thương hiệu và gây dựng nền tảng cho hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm trong tương lai”, ông Mười cho hay.

Trong 5 năm sau cổ phần hóa, công ty sẽ tận dụng mọi nguồn lực và thế mạnh thương hiệu Vissan, đẩy mạnh đầu tư trên mọi lĩnh vực nhằm thực hiện các nhiệm vụ của công ty trong giai đoạn sau cổ phần hóa. Công ty sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất và đồng bộ hóa trang thiết bị tại công ty theo tiêu chuẩn HACCP và đầu tư cơ sở sản xuất tại các khu vực. Hệ thống phân phối, đặc biệt là các địa điểm bán lẻ thịt tươi sống sẽ được đầu tư mạnh hơn. Vissan cũng sẽ tập trung đầu tư các công trình di dời và xây dựng vùng chăn nuôi heo thịt chất lượng cao, tạo tiền đề ổn định nguồn nguyên liệu và tạo đà phát triển trong những năm sắp tới. Tất cả những hoạt động này nhằm đưa Vissan trở thành nhà sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm lớn nhất của cả nước trong vòng 10 năm tới.

Mặc dù đầu tư phát triển vùng chăn nuôi heo chất lượng cao, bao gồm hệ thống trang trại chọn lọc, trại nhân giống, trại heo thịt để chủ động nguồn nguyên liệu, nhưng ông Mười cho rằng, việc chủ động nguồn nguyên liệu sẽ được giới hạn ở mức khoảng 30%, (tức khoảng 300.000 con heo thịt vào năm 2020), so với mức 5% hiện nay. Phần còn lại, Vissan sẽ lấy từ bên ngoài để tận dụng nguồn lực chăn nuôi trong xã hội.

Để hoàn thiện chuỗi khép kín 3F, với sự đồng hành của Masan, Vissan dự kiến sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn gia súc cung cấp cho vùng chăn nuôi heo và tham gia thị trường, hiện thực hóa tham vọng mà Vissan ấp ủ lâu nay. Tùy theo nguồn lực thị trường mà công ty sẽ lựa chọn tự phát triển hay liên kết để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Công ty cũng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bằng việc tập trung quảng bá và giới thiệu sản phẩm sang một số quốc gia trong khu vực châu Á và một số nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản… Có bạn đồng hành đường dài, Vissan đã cho thấy tầm nhìn xa hơn với mục tiêu trở thành nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất nước.

Đăng Cường

Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp


Brands Vietnam là Cộng đồng Marketing và Xây dựng Thương hiệu toàn diện tại Việt Nam, với những sản phẩm và dịch vụ có kết nối chặt chẽ với nhau để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của marketers nói chung, người làm kinh doanh nói riêng.

Lầu 3, tòa nhà Viet Solutions, số 125/11 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

© 2012 – 2022 Brands Vietnam.

Bản quyền thuộc về Công ty TNHH WEBRAND, giấy phép ĐKKD số 0311614186 do Sở KH&ĐT cấp ngày 10/03/2012.

Giấy phép MXH số 194/GP-BTTTT ký ngày 21/05/2019.

Có thêm người “cùng thuyền”, Vissan đang ấp ủ tham vọng trở thành nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất Việt Nam.

Được tiếp thêm vốn sau cổ phần hóa, lại có thêm ban lãnh đạo là những cán bộ cốt cán trong những doanh nghiệp kin

Share This Article
Leave a comment