Sự bành trướng của các hệ thống di động lớn đang bức tử phương thức kinh doanh nhỏ lẻ, vốn tồn tại nhiều năm qua tại thị trường Việt Nam.
Gom đủ số tiền cần thiết từ Tết, anh Nguyễn Minh Quang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tìm đế
Sự bành trướng của các hệ thống di động lớn đang bức tử phương thức kinh doanh nhỏ lẻ, vốn tồn tại nhiều năm qua tại thị trường Việt Nam.
Gom đủ số tiền cần thiết từ Tết, anh Nguyễn Minh Quang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tìm đến cửa hàng quen thuộc trên đường 32 để mua iPhone. Tuy nhiên, cửa hàng này đã đóng cửa cách đó ít ngày, nhường chỗ cho một đơn vị kinh doanh phụ kiện thời trang. Anh Quang phải tìm đến cửa hàng thuộc hệ thống lớn gần đó để mua máy.
Những năm gần đây, tốc độ đóng cửa của các cửa hàng di động nhỏ lẻ ngày một tăng. Tại các con đường được xem là “phố điện thoại” ở Hà Nội như Thái Hà, Chùa Bộc, Đặng Dung, mật độ cửa hàng điện thoại di động cũng thưa thớt hơn nhiều so với cách đây 3-4 năm.
Thị trường bán lẻ di động không còn chỗ cho các cửa hàng nhỏ lẻ. Ảnh: Thành Duy.
Theo hãng nghiên cứu thị trường GfK, 3.000 cửa hàng di động trên toàn quốc phải đóng cửa trong năm 2015 do sự bành trướng của các chuỗi bán lẻ lớn.
Theo các số liệu thống kê mới đây, thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam đã giảm mạnh từ mức 45% năm 2014 xuống còn 25-30% trong năm 2015. Trên thị trường hiện nay, 35-40% thị phần thuộc về Thế Giới Di Động, còn lại là các hệ thống bán lẻ lớn khác. Từ cuối 2014, người ta đã nói nhiều về cái chết của các cửa hàng di động nhỏ lẻ. Trong năm 2015 và bước sang 2016, câu chuyện này trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.
Theo ông Trần Kinh Doanh – CEO của Thế Giới Di Động, hệ thống bán lẻ này đạt doanh thu xấp xỉ 20.800 tỷ đồng trong năm 2015, với 220 siêu thị mở mới, nâng tổng số siêu thị lên 633. Trong khi đó, bà Nguyễn Bạch Điệp – Giám đốc FPT Retail cho biết, hai hệ thống bán lẻ của công ty này là FPT Shop và FPT Retail đạt doanh thu hơn 7.800 tỷ đồng, số lượng siêu thị ở mức 260, vượt mục tiêu đề ra trước đó 60 cửa hàng. Các hệ thống như Viễn Thông A có trong tay hơn 200 cửa hàng, Viettel Store đạt con số 300.
Theo các số liệu thống kê mới đây, thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam đã giảm mạnh từ mức 45% năm 2014 xuống còn 25-30% trong năm 2015.
Trong kế hoạch 2016, hầu hết các hệ thống bán lẻ lớn đều đặt mục tiêu mở thêm hàng trăm điểm mới. Chẳng hạn, Thế Giới Di Động cho biết, sẽ có khoảng 850 cửa hàng trong năm 2016, nếu thuận lợi có thể lên đến 1.000 điểm. FPT Shop, Viễn Thông A đặt tham vọng mở thêm 50-100 cửa hàng mới trong năm nay. Mới tham gia sân chơi di động nhưng Vin Pro cũng lên kế hoạch mở thêm 100 siêu thị mới để cạnh tranh với các ông lớn.
Nhìn vào tốc độ mở mới siêu thị của các nhà bán lẻ lớn trên thị trường, có thể thấy đất sống của các cửa hàng nhỏ lẻ gần như không còn. Trước đây, cửa hàng di động nhỏ có thể “bám” vào các khu dân cư nhỏ để sống thì nay, các hệ thống lớn đã có mặt trên hầu hết các con phố (tại thành phố lớn).
Tại các tỉnh, nhiều hệ thống lớn cũng bắt đầu xuất hiện tràn ngập. Đại diện một cửa hàng lớn có tiếng ở miền Tây cho biết, sau khi 2 cửa hàng thuộc hệ thống lớn được mở ngay đối diện, doanh số của họ đã giảm mạnh. “Họ liên tục hạ giá, khuyến mãi, dường như không cần có lãi. Với đà này, không quá một năm, những cửa hàng như chúng tôi sẽ đóng cửa”, vị này nói.
Dự đoán về tương lai của ngành bán lẻ di động trong nước, ông Trần Kinh Doanh nhận định, các cửa hàng di động nhỏ lẻ sẽ phải nhường chỗ cho các mô hình bán lẻ hiện đại hơn, bởi khách hàng ngày càng có xu hướng thích tận hưởng những dịch vụ mua sắm chuyên nghiệp, xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. “Không có hiện tượng được gọi là cá lớn nuốt cá bé ở đây. Chúng tôi nhìn nhận mọi thứ ở góc nhìn của khách hàng. Ở trong một thị trường, nếu ai đó có thể phục vụ khách hàng tốt hơn, hiệu quả hơn sẽ được khách hàng lựa chọn”, ông này cho hay.
Các hệ thống bán lẻ lớn cho rằng, việc các cửa hàng nhỏ lẻ bị đào thải là điều tất yếu. Ảnh: Hoàng Hà.
Đại diện một cửa hàng nhỏ trên phố Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bản thân họ dù muốn kinh doanh các sản phẩm chính hãng để cạnh tranh với hệ thống lớn cũng không thể làm được, ít nhất ở thời điểm hiện tại. “Máy chính hãng có giá cao, lợi nhuận thấp. Nếu muốn thu lời phải nhập với số lượng lớn để hưởng chiết khấu tốt, trong khi vốn luôn là vấn đề khó khăn với các cửa hàng nhỏ”, vị đại diện này cho hay. Theo một người kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực di động, bất kỳ ai nếu muốn kinh doanh di động chính hãng cần phải có khoảng 7 tỷ đồng tiền vốn mỗi năm.
Do đó, nhiều cửa hàng di động nhỏ lẻ chọn cách tránh đối đầu với ông lớn bằng cách chọn kinh doanh các mẫu điện thoại qua sử dụng, điện thoại xách tay giá mềm hoặc mở rộng kinh doanh bằng các dịch vụ sửa chữa, bán phụ kiện hoặc đồ chơi như loa, ống kính camera gắn kèm smartphone…
Ngay cả với sự chuyển dịch này, không lấy gì làm đảm bảo họ sẽ sống khỏe trước sự bành trướng của các hệ thống di động lớn. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, các hệ thống lớn sẽ tiếp tục cuộc chiến trong năm 2016. Đến 2017, khi bình định thị trường, phân chia xong lãnh địa, cuộc chơi lúc đó chỉ còn là của các hệ thống lớn.
Thành Duy
Nguồn Zing News
Brands Vietnam là Cộng đồng Marketing và Xây dựng Thương hiệu toàn diện tại Việt Nam, với những sản phẩm và dịch vụ có kết nối chặt chẽ với nhau để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của marketers nói chung, người làm kinh doanh nói riêng.
Lầu 3, tòa nhà Viet Solutions, số 125/11 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
© 2012 – 2022 Brands Vietnam.
Bản quyền thuộc về Công ty TNHH WEBRAND, giấy phép ĐKKD số 0311614186 do Sở KH&ĐT cấp ngày 10/03/2012.
Giấy phép MXH số 194/GP-BTTTT ký ngày 21/05/2019.
Sự bành trướng của các hệ thống di động lớn đang bức tử phương thức kinh doanh nhỏ lẻ, vốn tồn tại nhiều năm qua tại thị trường Việt Nam.
Gom đủ số tiền cần thiết từ Tết, anh Nguyễn Minh Quang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tìm đế